Đặt trọn niềm tin vào sự ''Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới'' của cựu chiến binh Việt Nam

14:54 - Thứ Sáu, 30/12/2022 Lượt xem: 4888 In bài viết

Sáng 30-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 với chủ đề “Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới” khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với hơn 500 đại biểu tham dự đại diện cho hơn 3 triệu hội viên Cựu chiến binh trong cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự đại hội. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Dự đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Dự đại hội còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam qua các thời kỳ; đại biểu lão thành cách mạng; đại biểu Hội Cựu chiến binh Campuchia, Hiệp hội Cựu chiến binh Lào...

Về phía thành phố Hà Nội, dự đại hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến.

Tại phiên khai mạc, đại hội đã mời các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tham gia Đoàn chủ tịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự đại hội. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI cho biết, đại hội có nhiệm vụ rất quan trọng là: Tổng kết đánh giá đúng kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI; trên cơ sở đó chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ VII; xem xét sửa đổi, bổ sung Điều phù hợp với tình hình mới; đồng thời, lựa chọn để bầu Ban Chấp hành Hội cho Trung ương Hội khóa VII nhiệm kỳ 2022-2027, có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo Hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Nguyễn Văn Được đề nghị, mỗi đại biểu quán triệt sâu sắc chủ đề của đại hội là: Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống "Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới", xây dựng Hội Cựu chiến binh vững mạnh toàn diện; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, kỷ cương và trách nhiệm, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện của đại hội và bầu được Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa mới tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của cựu chiến binh cả nước.

Tiếp theo, Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã trình bày Báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI.

Theo đó, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc; giữ vững bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống "Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới"; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước; tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm và các tệ nạn xã hội. Các cựu chiến binh Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức Hội trong tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội uy tín; thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự lễ khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Báo cáo cũng phân tích cụ thể các hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Trong nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI đề xuất mục tiêu với đại hội: Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ; truyền thống "Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới"; xây dựng Hội Cựu chiến binh vững mạnh toàn diện; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống. Tăng cường vai trò của hội viên trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Báo cáo nêu 6 nhóm chỉ tiêu, 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Trong đó, Hội phấn đấu 100% hội viên kiên định, vững vàng về chính trị, tư tưởng; phát triển trên 85% đối tượng đủ điều kiện kết nạp vào Hội, trên 90% cán bộ Hội được tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp; hằng năm, trên 90% tổ chức Hội, trên 80% cán bộ, hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 20% hoàn thành xuất sắc. Phấn đấu mỗi năm giảm từ 1-1,5% tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo theo chuẩn đa chiều; làm mới, sửa chữa, nâng cấp 70% số nhà dột nát, nhà tạm cho gia đình hội viên và cựu chiến binh...

Phát huy thế mạnh không tổ chức đoàn thể nào có được

Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cựu chiến binh là những người đã trải qua chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành qua khói lửa của các cuộc kháng chiến, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đang là một bộ phận rất quan trọng của xã hội. Được thành lập vào ngày 6-12-1989, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho ý chí và quyền lợi của cựu chiến binh, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Hội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoạt động tích cực, đúng hướng và có hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Điểm lại những kết quả nổi bật của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2022, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và cảm ơn Hội Cựu chiến binh Việt Nam và toàn thể các cựu chiến binh, cựu quân nhân trong cả nước. Những kết quả công tác và thành tích mà Hội đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng, góp phần để "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân”.

Nhất trí với Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI trình đại hội lần này, Tổng Bí thư nhìn nhận, báo cáo đã thể hiện tinh thần đổi mới, trí tuệ, dân chủ và đoàn kết; quán triệt nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

“Đảng, Nhà nước và nhân dân hoàn toàn tin tưởng và đặt trọn niềm tin vào sự "Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới" của hội cựu chiến binh các cấp với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động của Hội đã đề ra trong nhiệm kỳ mới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Gợi mở, nhấn mạnh thêm một số vấn đề để đại hội thảo luận, xem xét, quyết định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, với tinh thần là tổ chức của những người mang bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hội cựu chiến binh các cấp cần tiếp tục quán triệt và tổ chức cho cán bộ, hội viên thực hiện thật tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Hội là: Kiên quyết bảo vệ các thành quả của cách mạng, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "phi chính trị hóa quân đội" của các thế lực thù địch; là lực lượng chính trị tích cực, đi đầu tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư cũng đề nghị Hội tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp cho cán bộ, hội viên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên tập hợp, phản ánh với các cấp ủy, chính quyền ý kiến của cựu chiến binh, của nhân dân về những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh...; là nòng cốt trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; dựa vào dân, nhạy bén phát hiện những vấn đề bất cập hoặc mới phát sinh để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, khắc phục những vấn đề gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt, Hội cần tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cảnh giác, không để các phần tử xấu và kẻ địch lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ, vu cáo, bôi nhọ, đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Cũng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần quán triệt và tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; khai thác tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cựu chiến binh; phối hợp lồng ghép các chương trình, các cuộc vận động trong cựu chiến binh một cách có hiệu quả; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi"; chăm lo xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới mạnh mẽ phương thức và nội dung hoạt động; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam có thế mạnh mà không tổ chức đoàn thể nào có được là hội viên đã thử "lửa" qua các cuộc chiến tranh gian khổ của dân tộc, có đủ trình độ, bản lĩnh, uy tín để giáo dục thế hệ trẻ. Nói đến Bộ đội Cụ Hồ, không chỉ nhân dân trong nước, mà cả bạn bè quốc tế đều phải nể trọng; nói đến Bộ đội Cụ Hồ là điều rất thiêng liêng. Cho nên, Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp có đủ thế và lực, kinh nghiệm, kiến thức để làm tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo thế hệ cách mạng kế tục.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động cho các cấp hội cựu chiến binh; có cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp hội tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Tổng Bí thư mong đợi và tin tưởng, với truyền thống "Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới", truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam và lịch sử vẻ vang của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, chắc chắn rằng, sau đại hội này, Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, ngày càng mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng một nước Việt Nam "giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thay mặt đại hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Trong phiên khai mạc, đại hội cũng đã nghe phát biểu của Đại tướng - Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Đồng chí khẳng định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn xác định, nhiệm vụ, công việc của Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng là nhiệm vụ của chính mình và tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân có chương trình phối hợp hoạt động với Hội các cấp, cùng các mục tiêu, biện pháp cụ thể nhằm đạt được hiệu quả thiết thực nhất, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở.

“Nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới là hết sức nặng nề, nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã lập nên, mãi mãi sát cánh cùng Hội Cựu chiến binh Việt Nam chung sức, chung lòng, đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành thắng lợi sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và sự yêu mến của nhân dân”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đại hội cũng đã nghe phát biểu của Đại tướng Kun Kim, Bộ trưởng cấp cao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cựu chiến binh Campuchia. Đại tướng Kun Kim khẳng định: Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia sẽ không có ngày hôm nay. Đây là sự thật lịch sử không thể chối bỏ.

Với những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2019-2021, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tại đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương cho lãnh đạo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Chiều nay, đại hội tiếp tục làm việc.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top