Vấn đề hôm nay

Không để ai bị bỏ lại phía sau

20:16 - Chủ Nhật, 01/01/2023 Lượt xem: 5566 In bài viết

ĐBP - Xoá đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân… luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên triển khai tốt trong những năm gần đây. Nhờ đó, công cuộc xoá đói giảm nghèo ngày càng hiệu quả. Số hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngày càng nhiều. Thể hiện, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,32% (vượt chỉ tiêu 0,32% so với kế hoạch đề ra); trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 6,04% so với năm 2021 (kế hoạch 5,5%).

Nhận thức rõ vấn đề nghèo đói là nguyên nhân dẫn đến các tai, tệ nạn xã hội. Do nghèo đói, không có điều kiện cho con em ăn học, nhận thức, hiểu biết xã hội hạn chế, các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền, kích động làm những việc vi phạm pháp luật; chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh trật tự… Ngày 30/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2000/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch xác định nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, thời gian, tiến độ thực hiện các tiểu dự án; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan từ cấp tỉnh, sở ngành, huyện thị... thực thi chương trình.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là chương trình lớn, có tính bao quát cao; mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Cái quan trọng nhất, chương trình lựa chọn những hợp phần, tiểu dự án sát điều kiện sống sở tại của người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội để tập trung hỗ trợ, đầu tư, giúp đỡ; tránh đầu tư dàn trải, kiểu “đếm đầu chia xôi” như trước đây.

Với 6 vấn đề lớn được chương trình quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ đó là: giải quyết việc làm; các dịch vụ về y tế; giáo dục và đào tạo; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin truyền thông. Thực hiện đồng bộ các giải pháp; nhất là các sở, ngành, đơn vị… khi triển khai nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo theo chỉ đạo, phân công của UBND tỉnh làm việc hết mình, công tâm, khách quan, không vụ lợi, thì lộ trình mỗi năm xoá từ 4% hộ nghèo trở lên; trong đó tại các huyện nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 5,5% trở lên, để đến năm 2025 (năm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn dưới 18,9% là hoàn toàn khả thi.

Hai năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, chúng ta nhiều lần phải giãn cách xã hội; nhiều khu vực bị phong toả; nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất… phải đóng cửa, công nhân, người lao động mất việc làm, gây xáo trộn lớn cho nền kinh tế. Nhưng với nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành sâu sát, phù hợp và rất linh hoạt của lãnh đạo tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định, GRDP hàng năm vẫn đạt ở mức cao. Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh quan tâm các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo bằng nguồn ngân sách, xã hội xoá… nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm.

Những ngày này, đi về các xã, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh sẽ thấy được chính sách xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội phát huy hiệu quả rất tốt. Hệ thống điện - đường - trường - trạm… được quan tâm đầu tư; nhiều ngôi nhà mới với tiêu chí “3 cứng” được dựng lên. Với hơn 3.000 ngôi nhà của người nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ làm mới trong 2 năm qua; người dân được sống trong các ngôi nhà kiên cố, ấm cúng là thành quả xoá đói giảm nghèo dễ nhìn thấy nhất. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, mỗi năm tỉnh cân đối ngân sách xoá trên 1.000 ngôi nhà cho hộ nghèo. Khi người dân có nhà kiên cố ở, họ yên tâm làm ăn phát triển kinh tế, bám bản bám mường sẽ đồng nghĩa cương thổ được giữ vững, chính trị ổn định, đối ngoại nhân dân khu vực biên giới được tăng cường và mở rộng.

Cái người dân quan tâm là với lộ trình xoá đói giảm nghèo như vậy, liệu nguồn vốn có đảm bảo phân bổ đủ và kịp thời; chính sách hỗ trợ người nghèo có “đi nhầm vào nhà cán bộ; người nhà, người thân cán bộ”?... Tuy nhiên, như phân tích, thì với tổng kinh phí cho Chương trình khoảng 2.525.988 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 2.452.416 triệu đồng; ngân sách địa phương (vốn đối ứng) 73.572 triệu đồng, được phân kỳ và bố trí một cách hợp lý, khoa học; đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ được phân công tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; người dân “là tai, là mắt” của cấp uỷ Đảng, chính quyền… thì chắc chắn nguồn vốn sẽ đầu tư đúng mục đích, đến đúng đối tượng thụ hưởng; chính sách xoá đói giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau của tỉnh sẽ thành công.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top