ĐBP - Thời gian qua, các tổ dân vận thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò thường xuyên gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng ở cơ sở, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy về thành lập các tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố, các địa phương đã thành lập các tổ dân vận cơ sở với 6 - 15 thành viên là bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ... Việc thành lập và hoạt động tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố bảo đảm thực hiện đúng quy định về cơ cấu tổ chức, thành phần tham gia. Các tổ dân vận tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước ở thôn bản, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, gần gũi với nhân dân.
Trong quá trình hoạt động, các tổ dân vận phân công thành viên phụ trách từng nhóm hộ theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kịp thời tham gia giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, phát triển. Các thành viên trong tổ tích cực đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, khơi dậy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Huyện Mường Ảng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả tổ dân vận cơ sở. Huyện đã thành lập gần 130 tổ dân vận ở các thôn, bản, với hơn 1.000 thành viên. Các tổ dân vận đã thực sự là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân để tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng và vật nuôi, sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế hộ gia đình; tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
Trước đây bản Thẳm Tọ, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) và dân bản Nà Làng, xã Mường Bám (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) xảy ra mâu thuẫn tranh chấp đất đai. Chính quyền các cấp 2 tỉnh đã có nhiều buổi làm việc, tuyên truyền, giải quyết đất ở, đất canh tác cho người dân, tuy nhiên một số người dân bản Thẳm Tọ vẫn không yên tâm sản xuất. Ban Dân vận Huyện ủy Mường Ảng đã tham mưu với Huyện ủy thành lập tổ dân vận đặc biệt (gồm cán bộ các phòng, ban huyện và thành viên tổ dân vận bản) thực hiện “3 bám, 4 cùng”, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người dân. Sau một thời gian kiên trì vận động, kiến nghị lên huyện có những chính sách, cách giải quyết phù hợp, người dân bản Thẳm Tọ đã tin tưởng, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, không xảy ra các tranh chấp với người dân bản Nà Làng.
Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tuy mới thành lập và đi vào hoạt động tròn 1 năm, song mô hình tổ dân vận cơ sở tại 121/121 bản đã khẳng định hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, và củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong năm 2022, các tổ dân vận đã tổ chức 915 buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đến 40.540 lượt người; triển khai xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, khai hoang ruộng nước, hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng, sửa chữa cầu, đường... Tiêu biểu như các tổ dân vận cơ sở tại các xã: Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Nà Bủng, Vàng Đán, Phìn Hồ, Nậm Tin đã tổ chức 61 buổi với 2.630 lượt người tham gia để tuyên truyền, vận động nhân dân khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang, khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất; xây dựng mô hình trồng dứa, sả, lạc, khoai sọ; mở rộng diện tích trồng, chăm sóc cây sa nhân…
Hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần giải quyết, hòa giải nhiều vấn đề vướng mắc, tranh chấp tại cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở thôn xóm, khu dân cư. Từ đó, thắt chặt tình đoàn kết; nâng cao niềm tin, sự đồng thuận của người dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.