Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

15:50 - Thứ Hai, 09/01/2023 Lượt xem: 3690 In bài viết

Chiều 9-1, tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với 386/473 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 77,82% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 Điều về Hội đồng Y khoa quốc gia; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua gồm 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với luật hiện hành. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra, đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp.

Đáng chú ý, luật quy định, Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng. Hội đồng Y khoa quốc gia có các nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia.

Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1-1-2027 đối với chức danh bác sĩ; từ ngày 1-1-2028 đối với chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh; từ ngày 1-1-2029 đối với chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

Về giấy phép hành nghề, Luật quy định mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc; giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

Bảng biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Luật quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng. Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề. Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu; nghiên cứu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung.

Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ khác.

HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước áp dụng giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, trừ một số trường hợp quy định chuyển tiếp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top