Tăng cường thanh tra các ngành, lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

15:13 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 4466 In bài viết

ĐBP - “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các ngành, lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội và những vấn đề nảy sinh bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” - Đó là một trong những nội dung yêu cầu đặt ra trong năm 2023 của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, tại phiên họp thứ hai diễn ra vừa qua, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh từ khi được thành lập đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song có những thuận lợi cơ bản, như: Các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được hoàn thiện; nhiều chủ trương, chính sách lớn về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; sự hướng dẫn kịp thời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các cơ quan chức năng (Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và cơ quan nội chính Trung ương). Việc tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 đã tạo động lực tinh thần, nâng cao thái độ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, tổ chức của tỉnh Điện Biên tiếp tục kiên quyết, kiên trì với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, các cơ quan báo chí và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã kịp thời quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch, chương trình để thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Do đó, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức về vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng bước được nâng cao. Công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, đúng quy định của pháp luật. Qua đó đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội, kiến nghị các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, không để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nỗ lực trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo ngày càng được nâng cao chất lượng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, sở, ban, ngành, nhất là các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ nhằm phát hiện các sai phạm để xử lý hiệu quả, nhất là trong giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và chỉ đạo xử lý nghiêm, thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, góp phần củng cố niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có tác dụng tích cực trong việc răn đe, giáo dục cũng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, năm 2023 Ban Chỉ đạo xác định đề ra 06 nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp. Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tiêu cực. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các ngành, lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội và những vấn đề nảy sinh bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong xử lý vi phạm pháp luật phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, sớm kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhất là những vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo trong năm 2022. Tiếp tục chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

P.V
Bình luận

Tin khác

Back To Top