ĐBP - Nhận thức rõ vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với tổng kết, đánh giá những vấn đề từ thực tiễn, Trường Chính trị tỉnh luôn chú trọng tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; quan tâm đến việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và tổng kết thực tiễn.
Từ năm 2018 đến nay, Trường đã thực hiện 26 đề tài khoa học, trong đó có 10 đề tài cấp trường; 16 đề tài cấp khoa, phòng. Hàng năm, 100% giảng viên của nhà trường hoàn thành vượt định mức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học từ 1.000 - 3.600 giờ. Các đề tài nghiên cứu khoa học đều được giảng viên các khoa nghiên cứu nghiêm túc, chất lượng, đặc biệt là phục vụ trực tiếp cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường thực hiện. Có thể kể đến một số đề tài như: “Nâng cao chất lượng công tác đảng viên ở Đảng bộ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - Thực trạng và giải pháp”; “Nâng cao chất lượng cán bộ các xã ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên”; “Nâng cao chất lượng công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Điện Biên - Thực trạng và giải pháp”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở các xã, phường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ”… bên cạnh đó, nhà trường cũng tham gia đóng góp vào các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, đề án, quy chế, quy định của Trung ương, của tỉnh.
Mỗi năm nhà trường tổ chức từ 3 hội thảo cấp trường, 3 - 5 hội thảo cấp khoa, phòng; từ 1 - 3 sáng kiến cấp trường; 3 sáng kiến cấp khoa, phòng. Tham gia một số hội thảo khoa học cấp bộ, tổ chức một số hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở: “Phát huy giá trị chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 với xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên”, “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tự phê bình và phê bình ở Đảng bộ trường Chính trị tỉnh Điện Biên”, “Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học ở Trường Chính trị tỉnh Điện Biên” nhằm khai thác giá trị lý luận, giải quyết các vấn đề thực tiễn để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bình quân mỗi năm, 70 - 80% số đề tài được triển khai để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhờ đó chất lượng giảng dạy được nâng lên; học viên đồng tình, ủng hộ, bước đầu đảm bảo cả tính lý luận và thực tiễn. Đội ngũ giảng viên nhà trường tích cực tham gia 3 hội thảo khoa học Cụm thi đua các trường chính trị miền núi phía Bắc; thường xuyên viết bài đăng tải trên các tạp chí khoa học, Báo Điện Biên Phủ và một số báo có uy tín. Bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” của nhà trường được xuất bản mỗi năm 2 kỳ; năm 2022 xuất bản 3 kỳ. Biên soạn tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập: Tập tài liệu giảng dạy học phần “Tình hình nhiệm vụ địa phương” thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính; “ Thực tiễn và kinh nghiệm phát triển địa phương” thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị; biên soạn tài liệu bồi dưỡng HĐND các cấp; các chương trình bồi dưỡng chức danh… Nhờ đó, kiến thức thực tế của giảng viên đã được nâng cao và thể hiện rất rõ qua nội dung các bài giảng ngày càng sinh động, góp phần làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường có nhiều màu sắc hơn.
Xác định nghiên cứu khoa học là nhân tố quan trọng, quyết định việc nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ giảng viên. Kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở để đội ngũ giảng viên bổ sung kiến thức thực tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện những vấn đề về định hướng, quan điểm, chiến lược phát triển của tỉnh. Nhà trường tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức ở cả 2 phương diện: giảng dạy và nghiên cứu khoa học - đây là hai nhiệm vụ có vị trí ngang nhau trong đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường.
Nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học hợp lý cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng như về độ tuổi, về chuyên môn, về học hàm, học vị đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Tiếp tục thực hiện tốt quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Có cơ chế kiểm tra, giám sát và động viên khen thưởng kịp thời để duy trì các hoạt động khoa học thường xuyên. Gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên, định hướng các đề tài khoa học sát với thực tế giảng dạy, hướng đến việc tổ chức thực hiện các công trình phục vụ việc đổi mới nội dung chương trình, giáo trình và giải quyết các vấn đề trong quản lý, lãnh đạo cấp cơ sở.
Chủ động đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, cac sở ban, ngành, huyện, thị, thành phố những đề tài khoa học cụ thể; tham gia vào các đề án thực tế để mở rộng tầm nhìn và tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn ở địa phương.
Nguyễn Thị Thanh Chuyên
(Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh)