ĐBP - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự chung sức đồng lòng của nhân dân các dân tộc; đến nay, tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, kinh tế - xã hội có bước phát triển vượt bậc, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, giữ vững. Đó là tiền đề để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng phát triển toàn diện.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra 18 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá chiến lược và 8 nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Vì vậy, ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, dù bối cảnh thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp, song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn; cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Với nhiều thời cơ, thách thức, khó khăn, song Điện Biên vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư làm “đòn bẩy” để phát triển. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết, 8 chỉ thị, 3 chương trình, 3 đề án, 9 quy định, 36 kế hoạch và hàng trăm văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề trọng tâm, toàn diện trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị... Từ đó, góp phần tạo nên bức tranh kinh tế toàn tỉnh với những gam màu tươi sáng, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,19%, là năm đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số, xếp thứ hạng 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.690,11 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản (chiếm 16,94%), tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng. GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm (tăng 19,56% so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,09%.
Cùng với đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, “nút thắt” về hạ tầng giao thông từng bước được tháo gỡ thông qua việc đầu tư những dự án trọng điểm. Nhiều dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, các quy hoạch đô thị kịp thời được điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở để thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín trong và ngoài nước. Các dự án phát triển đô thị, trồng rừng, trồng cây mắc ca, trồng cây dược liệu... tiếp tục được đầu tư, mở rộng.
Cùng với thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân... Công tác xây dựng Đảng được tỉnh ta chú trọng thực hiện; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đảng bộ tỉnh lãnh đạo triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đúng hướng chỉ đạo và sát với tình hình thực tế địa phương. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, chăm lo phát triển đảng viên, nhất là phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trong 2 năm (2021 - 2022), toàn tỉnh đã kết nạp mới 4.109 đảng viên, thành lập 47 chi bộ thôn, bản, trạm y tế (đạt 160% mục tiêu); thành lập 14 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân; duy trì không còn bản trắng đảng viên. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp, bố trí kết hợp với luân chuyển 25 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tổ chức thành công thí điểm thi tuyển 5 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phó các sở, ngành tỉnh. Thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và quy hoạch mới nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 với 447 lượt cán bộ, đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, với truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, các đột phá, nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Đặc biệt, từ những chủ trương, định hướng đúng đắn, kịp thời, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc quyết tâm xây dựng Điện Biên phát triển toàn diện và bền vững.