ĐBP - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”... Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, nhất là linh hoạt trong nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ một cách hiệu quả nhất.
Năng động, sáng tạo, trách nhiệm, sâu sát với cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đó là cảm nhận của nhiều cán bộ, đảng viên huyện Nậm Pồ khi nói về anh Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện. Nhận quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tháng 9/2022, anh Nguyễn Hữu Đại, Phó Bí thư Tỉnh đoàn được điều động và chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ nhiệm kỳ 2020 - 2025, sau đó được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phát huy tinh thần của tuổi trẻ, trên cương vị mới, anh Đại luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; thường xuyên xuống các xã, bản để nắm tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở. Với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh Đại được cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ. Nhờ vậy, quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nói chung, anh Đại nhận được sự đồng thuận, tích cực tham gia từ phía nhân dân.
Anh Nguyễn Hữu Đại chia sẻ: Giữ chức vụ lãnh đạo huyện, với tôi đây là nhiệm vụ mới; đòi hỏi cần phải có kiến thức rộng ở tất cả các lĩnh vực. Song, dù khó khăn đến mấy, bản thân tôi cũng sẽ luôn phát huy năng lực, sở trường công tác, vốn kinh nghiệm của mình xây dựng mối đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; xứng đáng với niềm tin của nhân dân và kỳ vọng của cấp trên.
Thực tế cho thấy, đánh giá cán bộ đúng, khách quan, công tâm, nhận diện rõ ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển thì mới có căn cứ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cũng như thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ. Tại huyện Mường Nhé, đây cũng là một trong những cách làm đã và đang được huyện áp dụng hiệu quả trong những năm qua. Ông Tạ Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Việc nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực, trình độ của cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, thiên lệch, không đúng sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng cán bộ sai và dẫn đến hậu quả khôn lường. Người cán bộ được đánh giá không đúng thực chất có thể hoặc sinh ra chủ quan hoặc trái lại, trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu. Đối với tập thể có thể ảnh hưởng đến niềm tin chung và gây ra những phức tạp trong quan hệ nội bộ. Do vậy, quá trình bố trí, sắp xếp cán bộ luôn được huyện thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ qua đó không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của huyện, của tỉnh mà còn giúp cán bộ trưởng thành hơn.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, huyện Mường Nhé đã luân chuyển, điều động trên 20 lượt cán bộ, công chức cấp huyện đi giữ các vị trí chủ chốt ở các xã. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín ở cơ sở góp phần đào tạo, rèn luyện thử thách cán bộ trong thực tiễn.
Có thể nói, công tác đánh giá cán bộ những năm qua đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc theo quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp, chất lượng ngày càng được nâng lên, thực chất hơn theo mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn rằng, công tác cán bộ là công việc khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến tâm tư, tình cảm, lợi ích của con người và tổ chức bộ máy. Do đó, để cán bộ phát huy năng lực, sở trường công tác, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ, trọng tâm là công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Có như vậy, cán bộ mới có thể góp phần giúp địa phương, cơ quan, đơn vị ổn định tình hình, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.