Thủ tướng yêu cầu trước mắt, cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Ngày 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023. |
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho ý kiến đối với 5 nội dung gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông”, các thành viên Chính phủ thảo luận, đóng góp ý kiến về việc tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án hợp tác công tư; huy động ngân sách địa phương tham gia các dự án quốc gia có sự hỗ trợ ngân sách của Trung ương; việc giao cho các địa phương làm chủ quản đầu tư các dự án liên kết vùng...
Về “Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”, các thành viên Chính phủ thảo luận các nội dung về mở rộng, cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Chính phủ cho rằng, việc điều chỉnh trên nhằm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam.
Đối với Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ xem xét về điều kiện, yêu cầu xây dựng Luật; thủ tục, trình tự xây dựng Luật; tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Đặc biệt, các thành viên Chính phủ thảo luận sâu đối với các nội dung mới như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu…
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân; nội dung có nhiều vấn đề mới nên còn có nhiều ý kiến khác nhau cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Thủ tướng yêu cầu việc hoàn thiện dự án Luật cần tuân thủ, phù hợp với các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ thông qua Đề nghị xây dựng Luật, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không cầu toàn, không nóng vội; tổ chức tham vấn đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5.
Đối với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cùng với rà soát trình tự, thủ tục trình, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật, tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành và các dự án luật đang được Chính phủ trình Quốc hội…, các thành viên Chính phủ có nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề như thứ tự ưu tiên thanh toán, thẩm quyền trong việc cho vay đặc biệt, về kiểm toán độc lập, thu giữ tài sản bảo đảm, vấn đề “sở hữu chéo”, về thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng…
Cùng với có ý kiến đối với từng nội dung, Thủ tướng cho rằng, đây là dự án Luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến toàn xã hội và nền kinh tế, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng, minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải đảm bảo cụ thể hóa được các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước; không thiên lệch đối với bất cứ đối tượng nào; tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc; chống tiêu cực tham nhũng, chống sở hữu chéo; tăng cường thẩm quyền quản lý của Thống đốc Ngân hàng đối với các ngân hàng thương mại, cũng như trong xử lý nợ xấu...; đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú cho người nước ngoài tại Việt Nam, các thành viên Chính phủ thảo luận về việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài; giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội bổ sung đề nghị xây dựng luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cao độ, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 16 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các Bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng; tích cực thẩm định, thẩm tra kịp tiến độ trình Chính phủ; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các Bộ, cơ quan chủ trì tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ; tiếp tục tiếp thu lấy ý kiến của các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, các cơ quan của Quốc hội; hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo chính sách theo quy định; hoàn thiện, trình văn bản cấp có thẩm quyền theo quy trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
“Cái gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, có tính ổn định thì luật hóa; cái gì chưa chắc chắn, chưa được kiểm nghiệm qua thực tế thì nghiên cứu thử nghiệm, rút kinh nghiệm và mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội. Việc xây dựng pháp luật phải tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ được các điểm nghẽn phục vụ cho phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát”, Thủ tướng chỉ rõ.
Lưu ý thêm một số nội dung, Thủ tướng đề nghị các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng chống tiêu cực.
Với lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng; luật pháp phải phục vụ sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích chung lên trên hết; tất cả cần chung tay, chung sức, tháo gỡ khó khăn, xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động thực sự công khai, minh bạch, hội nhập, phát triển bền vững, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân, thiết kế công cụ tốt để tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí cùng các cơ quan soạn thảo cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành chính sách, giải thích rõ những vấn đề liên quan, đặc biệt là quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân.
Theo Thủ tướng, công việc ngày càng nhiều khi thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng từ lâu, có những văn bản mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua, nên phải rà soát, bám sát thực tiễn, điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp điều kiện đất nước và tình hình từng giai đoạn, nhất là giai đoạn có nhiều khó khăn hiện nay, tạo động lực, xung lực, cảm hứng để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, con người, thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; nếu chưa kiện toàn bộ phận chủ trì nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm kiện toàn. Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao, bảo đảm chất lượng thẩm định các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Các bộ, ngành khi được hỏi ý kiến phải bảo đảm việc góp ý bảo đảm tiến độ và thực sự chất lượng. Nội dung này đã được Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương; cần quán triệt và chủ động, tích cực hơn nữa.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt, cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.