ĐBP - Ngày 31/3, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban quý I/2023 giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.
Quý I/2023, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với BTV tỉnh ủy, thành ủy ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác nội chính; chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương đã khẩn trương xây dựng được các quy trình, quy chế, quy định, kiện toàn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động; đưa nhiều vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung xử lý; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực… Từ đầu năm đến nay, ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã rà soát, đưa 343 vụ án, 197 vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi; từ năm 2022 đến nay các địa phương đã khởi tố 563 vụ án với 1.414 bị can phạm tội tham nhũng…
Các địa phương kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn về việc bảo vệ người tố cáo, đấu tranh, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kiến nghị đúng pháp luật của thanh tra, kiểm toán để đảm bảo kết luận, kiến nghị được chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ. Để chủ động và thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, cần có hướng dẫn cụ thể phạm vi hoạt động này. Đối với các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác do Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét quyết định, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương làm căn cứ thực hiện…
Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy; nắm vững, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo; kịp thời điều chuyển, thay thế những mắt xích yếu trong Ban Chỉ đạo. Tổ chức công việc chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, tránh tình trạng tắc trách; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm. Tăng cường công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục rà soát, đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng; kiên quyết khắc phục “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Xử lý nghiêm minh đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự theo đúng nguyên tắc “tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm là phải khởi tố, điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.