ĐBP - Huyện Điện Biên có 11 dân tộc cùng chung sống. Những năm qua, việc quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được huyện chú trọng. Nhờ đó chất lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực từ cấp xã tới cấp huyện; tăng về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
Thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, huyện Điện Biên luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo đúng chủ trương của tỉnh và đúng quy định của pháp luật trong chính sách ưu tiên đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 - 2022, số lượng công chức, viên chức được tuyển dụng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là 159 người (đạt tỷ lệ 66%). Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là dân tộc thiểu số được bố trí đảm bảo các tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, toàn huyện có 985/2.093 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; trong đó, cấp huyện 706 người và cấp xã 279 người. Việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2016 - 2022, huyện đã cử 1.197 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ người dân tộc thiểu số đã vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng trong giải quyết công việc theo nhiệm vụ được giao.
Việc thực hiện công tác cán bộ được Huyện ủy Điện Biên lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo theo phân cấp cán bộ và quy chế bổ nhiệm cán bộ; thực hiện đảm bảo quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, coi trọng vai trò trách nhiệm của đứng đầu. Các khâu quản lý, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử sụng và thực hiện chính sách cán bộ nói chung và cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng được cấp ủy các cơ quan, đơn vị thực hiện dân chủ, bàn bạc và quyết định theo đa số. Kết quả từ năm 2016 đến nay, có 1.470 lượt cán bộ được quy hoạch vào cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp; trong đó, cấp huyện có 200 lượt, cấp cơ sở có 1.270 lượt cán bộ. Trong đó cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quy hoạch chiếm tỷ lệ trên 70%; hiện nay huyện đang thực hiện rà soát phê chuẩn các chức danh quy hoạch giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, trong số 16 cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh trưởng phòng và tương đương, có 8 người dân tộc thiểu số. Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, huyện đã luân chuyển, điều động 10 lượt cán bộ huyện về giữ các chức vụ chủ chốt ở xã (trong đó 7 cán bộ là người dân tộc thiểu số); 7 lượt cán bộ từ xã về huyện (3 cán bộ là người dân tộc thiểu số); 7 lượt cán bộ từ xã này sang xã khác (3 cán bộ là người dân tộc thiểu số). Việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị thuộc huyện đảm bảo tỉ lệ theo quy định, tính đến nay tổng số lãnh đạo quản lý là 129 người (trong đó cấp huyện 15/129, cấp xã 87/129 và sự nghiệp giáo dục 27/129).
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết công việc, lý luận chính trị gắn với công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm được thực hiện có hiệu quả đã tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật; có ý thức tự chủ, năng động trong công việc. Kết quả thực tế công việc đã khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.