Nâng cao năng lực HĐND các cấp qua hoạt động giám sát

08:15 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 4423 In bài viết

ĐBP - Hội đồng Nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thời gian qua, thực hiện tốt vai trò của mình, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề, tổ chức phiên giải trình. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan dân cử, tác động hiệu quả đến công tác quản lý nhà nước ở địa phương, được cử tri tin tưởng, ủng hộ.

Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 tại một số công trình, dự án trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Tại huyện biên giới Mường Nhé, hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện cũng từng bước được nâng cao, năng lực của đại biểu dân cử tiếp tục được bồi dưỡng, rèn giũa qua từng cuộc giám sát. Ông Lò Văn Chiên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé cho biết: “Trước mỗi cuộc giám sát, Thường trực HĐND huyện xác định trước nội dung, tính chất, đối tượng giám sát để tập trung nghiên cứu tài liệu. Cùng với đó, các đại biểu HĐND phải tăng cường đi thực tế tại các địa phương, cơ sở, theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND. Đại biểu cần chủ động nghiên cứu tài liệu, văn bản theo nội dung giám sát để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng. Qua hoạt động cho thấy, vai trò giám sát của HĐND rất quan trọng và cần tập trung vào lĩnh vực cử tri đang quan tâm, thực hiện đến cùng, giám sát triệt để. Sau giám sát, các Ban HĐND huyện tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị của các cơ quan chức năng, tránh để xảy ra tình trạng các kiến nghị sau giám sát không được thực hiện...”.

Đi vào vấn đề cụ thể, cuối năm 2022, Thường trực HĐND huyện Mường Nhé tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi và Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy, các chính sách được thực hiện đảm bảo, đúng đối tượng và đúng quy định. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, Thường trực HĐND huyện Mường Nhé cũng nhận thấy một số tồn tại hạn chế, như: Việc rà soát, phân loại đối tượng bảo trợ xã hội để thực hiện chính sách theo quy định ở một số xã còn chưa kịp thời, lúng túng trong xác định đối tượng và thực hiện thủ tục, hồ sơ; mức trợ cấp xã hội với đối tượng bảo trợ đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân trên địa bàn; việc theo dõi, quản lý đối tượng bảo trợ xã hội của các xã chưa chặt chẽ, dẫn đến việc đề nghị điều chỉnh mức hưởng, cho thôi hưởng ở một số đối tượng chưa kịp thời... Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND huyện Mường Nhé đã có những kiến nghị gửi tới HĐND, UBND tỉnh và UBND huyện Mường Nhé.

Mới đây, HĐND tỉnh cũng tiến hành giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND, ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh Điện Biên ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2019 - 2023”. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chính sách đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhiều nội dung hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế các địa phương, phát huy lợi thế, ưu điểm của cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, HĐND tỉnh nhận thấy đến nay có 8/23 nội dung hỗ trợ chưa được triển khai thực hiện. Nhiều địa phương có nhu cầu hỗ trợ một số nội dung phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như: Tái canh cà phê, ghép cải tạo vườn tạp; hỗ trợ cây thức ăn cho gia súc; hỗ trợ trồng mắc ca... lại chưa có trong chính sách. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp quy mô hoạt động nhỏ, thiếu ổn định, năng lực quản lý tài chính còn yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu cung cấp dịch vụ như: Phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. Việc tiêu thụ nông sản còn chậm, chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả các dự án liên kết...Từ những vấn đề nắm bắt được, đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND để đánh giá những nội dung nào hỗ trợ thiết thực hiệu quả, những nội dung nào chưa sát thực tế; vai trò, trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng chính sách...Từ đó xây dựng chính sách sát với thực tế đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiến hành chỉ đạo thanh tra việc thực hiện các mô hình, các dự án liên kết sản xuất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố...

Để thực hiện tốt chức năng quyết định tại mỗi kỳ họp, vai trò thẩm tra, khảo sát của HĐND các cấp rất quan trọng. Hoạt động thẩm tra báo cáo công tác của UBND, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các báo cáo khác theo quy định pháp luật là 1 trong 5 hình thức giám sát quan trọng, thường xuyên của HĐND. Mục đích của hoạt động này giúp cho HĐND theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, từ đó có yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Theo bà Lường Thu Hiền, Phó trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh), đối với hoạt động giám sát tại kỳ họp, trước khi trình HĐND tỉnh thông qua báo cáo công tác của các ngành tại kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Pháp chế phối hợp với các ban của HĐND tỉnh thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng chính quyền và báo cáo của các ngành trong khối nội chính.

“Để nâng cao chất lượng các Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế đối với các báo cáo trình tại kỳ họp HĐND, trước hết, cần xác định đúng tầm quan trọng của các Báo cáo thẩm tra và những tiêu chí cần có của một báo cáo thẩm tra trình kỳ họp, đó là nêu rõ quan điểm của Ban thực hiện thẩm tra, không xuôi chiều theo nội dung báo cáo. Cụ thể, báo cáo thẩm tra phải giúp đại biểu HĐND có những thông tin cần thiết để xem xét, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị một cách đầy đủ, khách quan, đúng chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thẩm tra, khâu đầu tiên đó là chuẩn bị tài liệu (báo cáo và các tài liệu tham khảo). Tiếp theo là phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban nghiên cứu; tham khảo xin ý kiến những người am hiểu về vấn đề đó; tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm tra...” - Bà Lường Thu Hiền cho biết.

Có thể thấy rằng, qua các cuộc giám sát, năng lực, vai trò của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các cơ quan dân cử tiếp tục phát huy tốt vị thế của mình tại địa phương.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top