ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc chấp hành chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020 – 2023”, ngày 18/4, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) làm việc tại huyện Mường Ảng.
Thông tin với đoàn công tác, ngành Y tế huyện có tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là 217. Trong đó, viên chức và hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế là 208 người, hợp đồng lao động từ nguồn tài chính tự chủ là 9 người. Hiện huyện còn 8 biên chế được cơ quan thẩm quyền giao nhưng chưa sử dụng. Năm 2020, 2021, tinh giản 2 biên chế; năm 2023 dự kiến tinh giản 1 biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP. Tính đến hiện tại, số lượng biên chế viên chức và số lượng người làm việc trong đơn vị chưa được tuyển dụng đủ theo quy định.
Các đại biểu trao đổi, đề nghị làm rõ các vấn đề về tinh giản biên chế; khó khăn trong xây dựng bố trí việc làm; việc sắp xếp biên chế để đảm bảo khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và tuyến xã trong tình hình vẫn thiếu nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng các vị trí công việc; quan điểm về việc có cần duy trì tổ chức Phòng Y tế...
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến 31/3/2023, được giao 962 biên chế, có mặt 930 biên chế. Từ năm 2020 – 2023, đã tuyển dụng 14/20 chỉ tiêu viên chức; đang trình Sở Nội vụ xem xét phê duyệt kế hoạch tuyển dụng 25 chỉ tiêu viên chức; đang thực hiện quy trình tuyển dụng 1 công chức. Từ năm 2020 đến nay thực hiện tinh giản biên chế 17 viên chức...
Tồn tại, hạn chế được thảo luận tại buổi làm việc liên quan đến: Khó khăn và giải pháp cho việc thiếu giáo viên tiếng Anh; biên chế được giao còn thiếu so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT (thiếu 71 biên chế); còn tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019; tinh giản biên chế mới thực hiện chủ yếu theo hình thức cắt giảm biên chế giao; quy trình tuyển dụng có vướng mắc gì khiến kéo dài thời gian không; sắp xếp và thực hiện chế độ cho các trường hợp giáo viên phải dạy tăng giờ, dạy liên trường, liên xã...
Để làm rõ thêm các vấn đề, đồng chí Lò Thị Bích, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Trung tâm Y tế huyện bổ sung, cập nhật những bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện Thông tư 07/2021/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố. Từ đó đoàn nghiên cứu có những kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền. Liên quan đến những bất cập, 2 luồng ý kiến giữ lại hay sáp nhập Phòng y tế, Ban sẽ tham mưu đề nghị UBND tỉnh đánh giá chức năng, nhiệm vụ, kết quả hoạt động của Phòng y tế cấp huyện. Đồng thời đồng chí đề nghị các phòng chuyên môn, các huyện thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác cán bộ, chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; UBND huyện chỉ đạo các phòng quan tâm tổ chức thực hiện các thông tư, nghị định liên quan đến chi trả, chế độ, chính sách cho các vị trí việc làm...
Trước khi làm việc với UBND huyện Mường Ảng, trong buổi sáng đoàn giám sát đi thực tế, nắm tình hình tại Trường THCS Ẳng Tở và Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng.