ĐBP - Đó là ý kiển chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ tư được tổ chức sáng nay (19/4). Phiên họp theo hình thức trực tuyến, được kết nối đến điểm cầu cấp huyện của 63 tỉnh, thành. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điên Biên.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cải cách hành chính là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Chúng ta xác định đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển. Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung: Xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Kết quả đã đạt được những bước tiến quan trọng, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn, nút thắt”, nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn, ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới.
Theo báo cáo tại phiên họp, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm: Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số; lấy con người là trung tâm; cải cách đóng vai trò dẫn dắt; công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy. Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan; các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia. Đề án 06 được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, trong quý I/2023 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết, 1 Chỉ thị, 1 Công điện với nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy triển khai. Đến nay đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 3 doanh nghiệp viễn thông và EVN bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác, đã tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin (81,6%). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phân cấp 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành; các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực.
Cũng tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Về chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thấp nhất là Bộ Ngoại giao. Về chỉ số SIPAS, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu cả nước, tỉnh Điện Biên xếp thứ 22/63 tỉnh, thành.