ĐBP - Xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh (TSVM) là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành bộ máy chính quyền cơ sở; từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả phân tích, đánh giá của Sở Nội vụ, đến nay, toàn tỉnh có 93,91% đảng bộ, chính quyền xã được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2018, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) đã cán đích với 19/19 tiêu chí hoàn thành. Để có được kết quả đó là cả quá trình phấn đấu dài hơi, bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc. Ông Lù Văn Ánh, Bí thư Đảng ủy xã Lay Nưa cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng, cũng là tiêu chí không thể thiếu trong xây dựng NTM đó là tiêu chí số 18 - xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Do vậy, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã, mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức hội, đoàn thể luôn nỗ lực, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ theo phương châm lấy dân làm gốc; gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Thực hiện tốt phương châm trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”. Những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đều được phổ biến rộng rãi đến nhân dân. Cùng với đó, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ.
Với cách làm như vậy, không những giúp xã Lay Nưa luôn giữ vững chính quyền TSVM để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới mà còn góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, hàng năm, cấp ủy, chính quyền cơ sở không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm đủ về số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Sở Nội vụ đã thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc tổ chức tuyển dụng theo đúng quy định và phân cấp, góp phần chọn lọc, phát hiện những người có đủ khả năng, trình độ phù hợp, qua đó tăng cường chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức.
Cùng với đó, ngành Nội vụ tỉnh cũng tăng cường tham mưu, thực hiện có hiệu quả các giải pháp về công tác điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương. Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức hơn 300 lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm… với hơn 27.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, kiến thức quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực do đơn vị phụ trách... Bên cạnh đó, ngành Nội vụ tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác phê duyệt phương án tuyển dụng công chức cấp xã, thẩm định kết quả tuyển dụng công chức cấp xã; kiểm tra công tác tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trong kế hoạch thanh, kiểm tra lĩnh vực ngành Nội vụ hằng năm…
Nhìn chung, sau đào tạo, bồi dưỡng, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở đều đạt chuẩn theo quy định. Điều này được thể hiện rõ khi mỗi cán bộ đã phát huy vai trò, trách nhiệm đối với dân, nhất là thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định các công việc có liên quan đến đời sống nhân dân. Công tác giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” có chuyển biến, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân; thực hiện tốt chế độ công khai tài chính, công khai các công trình xây dựng cơ bản… đến nhân dân, được nhân dân đồng tình, tin tưởng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền cơ sở TSVM, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2022, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh là 2.585 người (1.319 cán bộ cấp xã; 1.266 công chức cấp xã) trong đó: tỷ lệ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn trình độ văn hóa (THPT) chiếm 91,9%; trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (đối với công chức cấp xã) đạt 100%; trình độ lý luận chính trị (đối với cán bộ) chiếm 98,3%; trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên (đối với cán bộ xã) chiếm 98,71%; số cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn, chiếm 93,25%.