Vẹn nguyên ký ức hào hùng

16:16 - Chủ Nhật, 30/04/2023 Lượt xem: 2236 In bài viết

ĐBP - Đã 48 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử. Thế nhưng đối với những người lính từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ký ức chiến dịch lịch sử còn mãi.

Cựu chiến binh Lô Quang Thắng tự hào kể với con cháu về những ngày được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Mỗi lần nhắc lại những ngày tháng chiến đấu giữa làn bom đạn ác liệt, đôi mắt Thiếu tướng Lưu Trọng Lư (68 tuổi, ở tổ 12, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) lại ánh lên niềm tự hào. Ông kể lại: Năm 19 tuổi tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Trong đời binh nghiệp, tôi đã cùng đồng đội trải qua rất nhiều trận đánh, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng có 1 trận đánh ấn tượng sâu sắc nhất là trận đánh mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột - cũng là trận chiến then chốt mang tính quyết định để tiến tới ngày 30/4/1975. Sau trận đánh ác liệt, toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 2 và Quân Khu 2 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tan rã hoàn toàn. Trận đánh này, tôi được giao nhiệm vụ trinh sát luồn sâu nắm chắc tình hình theo hướng Buôn Ma Thuột. Tôi và đồng đội đã cung cấp được thông tin rất quan trọng cho Chỉ huy Trung đoàn 148 là kế hoạch bố phòng của địch trong TP. Buôn Ma Thuột.

Còn cựu chiến binh (CCB) Lô Quang Thắng (67 tuổi, ở tổ 11, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) khi vừa tròn 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Bồi hồi ký ức của một thời “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, ông Thắng kể cho chúng tôi nghe về những trận chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và đặc biệt là ký ức về ngày giải phóng: “Hôm đó, Sài Gòn đông vui lắm, không có cảnh đổ nát do bom đạn. Người dân hân hoan đổ ra các tuyến đường đông nghịt, trên tay ai cũng cầm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ vẫy chào, reo hò mừng rỡ, đón chào các chiến sĩ Giải phóng quân và mừng ngày chiến thắng. Với những người lính chúng tôi, đó là giây phút lịch sử không thể nào quên. Niềm vui chiến thắng cứ kéo dài mãi, luôn đi theo tôi cùng năm tháng, là động lực để tôi tiếp tục làm nhiệm vụ trong những ngày sau giải phóng, và tự hào đến tận hôm nay!”

Với CCB Trần Văn Hiện (68 tuổi, tổ 8, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ) cũng đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cùng đồng đội trong Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Đơn vị ông Hiện sở trường là đánh địa hình rừng núi nhưng chuyển sang đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột là đánh địa hình thành phố, nên trong khi hành quân đơn vị đồng thời làm các khung cao như nhà tầng để vừa đi vừa tập đánh địa hình thành phố. Bên cạnh những chiến công oanh liệt, thì ông Hiện cũng có những lần đón nhận nỗi đau đồng đội hi sinh. Ông Hiện nhớ lại: “Có một kỉ niệm buồn là vào một ngày tổ tôi có 3 người gồm tôi, anh Hữu và anh Tố, khi đang ăn trưa thì có một quả đạn pháo bắn trúng ngọn cây bên trên. Anh Hữu bị nhiều mảnh vụn cành cây rơi vào mặt và người, đến giờ mắt anh ấy đã hỏng, anh là thương binh đang sống tại Kim Sơn (Ninh Bình). Còn anh Tố bị cành cây to rơi thẳng vào người, hi sinh tại chỗ.”

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ký ức về những trận đánh, những đồng đội ngã xuống luôn khắc khoải trong tim những người cựu chiến binh già. Trở lại đời thường, những người lính ấy giờ đã lên chức cụ, chức ông. Các ông luôn giáo dục, động viên con cháu sống sao cho xứng đáng với những hi sinh của lớp thế hệ ông cha đi trước. Những câu chuyện, hồi ức của những người lính năm xưa là những bài học sống động, chân thực để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân và học tập, lao động để viết tiếp bản hùng ca của dân tộc.

Bài, ảnh: Nhật Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top