Thăm lại Ngã ba Cò Nòi

10:07 - Thứ Tư, 03/05/2023 Lượt xem: 3929 In bài viết

ĐBP - Ngã ba Cò Nòi thuộc xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) là địa danh lịch sử khắc ghi dấu ấn một thời kỳ đấu tranh oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngã ba Cò Nòi - một “yết hầu” mà quân Pháp quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: C.T.V

Chúng tôi có mặt tại Ngã ba Cò Nòi trong buổi sáng sớm mùa thu, nhân dịp UBND tỉnh Sơn La khánh thành khu tưởng niệm tâm linh, thuộc dự án tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Trong không gian thành kính, Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dâng hương tưởng niệm hơn 100 liệt sĩ TNXP tại Ngã ba Cò Nòi. Trao món quà của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng các cựu TNXP, Thượng tướng Đỗ Căn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các cựu TNXP một thời không quản hiểm nguy, gian khổ góp công, góp sức vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1953, ông Hồ Ngọc Toàn ở tổ 6, phường Tô Hiệu, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La được biên chế về Đội 40, Tổng đội TNXP Việt Nam. Đơn vị của ông Toàn có nhiệm vụ sửa đường, phá đá, phá bom, dẫn xe và các đoàn dân công qua khu vực từ đèo Chẹn (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đến Ngã ba Cò Nòi. Theo ông Toàn, sở dĩ Ngã ba Cò Nòi được ví là “tọa độ lửa” bởi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đây là một thung lũng hẹp và sâu, hai bên là đồi đất. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực từ Yên Bái sang, từ Đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút này. Thực dân Pháp tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt con đường nối từ hậu phương của ta ra chiến trường Điện Biên Phủ. Trên con đường huyết mạch này, có ngày địch ném xuống gần 300 quả bom đủ các loại khiến mặt đường bị cày nát, cây cối đổ ngổn ngang, gây rất nhiều trở ngại, khó khăn cho việc sửa chữa.

Ông Toàn cho biết: “Vất vả và nguy hiểm nhất là phá bom nổ chậm. Cứ sau mỗi trận bom, đơn vị lại phân công người làm nhiệm vụ quan sát, đếm và xác định rõ số lượng, vị trí các quả bom chưa nổ để xử lý”. Nói đoạn, giọng ông như nghẹn lại khi nhắc đến sự hi sinh anh dũng của hơn 100 TNXP thuộc Đội 34 và 40 nơi ngã ba này. Họ đều còn rất trẻ, đang ấp ủ những ước mơ hẹn thề với người thương, thậm chí có người còn chưa biết yêu. Gian khổ là thế nhưng với tinh thần “sống phá bom, nối đường, chết kiên cường, dũng cảm”, tất cả phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới làn bom đạn của kẻ thù, lực lượng TNXP ở Ngã ba Cò Nòi vẫn ngoan cường làm nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Về thăm xã Cò Nòi hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự hồi sinh, sức sống của vùng đất và con người nơi đây. Nằm xen giữa những hố bom là những nương ngô, nương dứa xanh mướt, trải dài trong nắng sớm; những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên trên tuyến quốc lộ 6 tấp nập người qua. Theo đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La, từ xuất phát điểm kinh tế thấp, là một xã đặc biệt khó khăn, đến nay, Cò Nòi với hơn 20.000 hộ dân thuộc 3 dân tộc Kinh, Thái, Mông chung sống đoàn kết và duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Điện lưới quốc gia đã phủ đến các thôn, bản. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng cơ bản. Năm 2007, khi tiến hành xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, xã Cò Nòi đã đón hàng trăm hộ dân ở vùng lòng hồ thủy điện về sinh sống. Hiện nay, cuộc sống đã ổn định, người dân có của ăn của để, nhiều hộ làm ăn khấm khá.

Để tri ân các liệt sĩ TNXP đã chiến đấu, hi sinh tại Ngã ba Cò Nòi, ngày 21/4/2000, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi. Dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2004), di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn qua miền Tây Bắc.

Thùy Ngân
Bình luận

Tin khác

Back To Top