Góc nhìn - Tiêu điểm

Cần xử lý trách nhiệm

06:51 - Thứ Bảy, 06/05/2023 Lượt xem: 3939 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có tổng diện tích gần 360.150ha (trong đó hơn 88.235ha đất lâm nghiệp có rừng và gần 271.915ha đất lâm nghiệp chưa có rừng) phải rà soát, đo đạc thành lập bản đồ giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023. Tuy nhiên đến nay tiến độ thực hiện đang rất chậm so với yêu cầu kế hoạch.

Theo Báo cáo số 89/BC-STNMT, ngày 13/4/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường: Đến hết ngày 21/3/2023, đối với đất lâm nghiệp có rừng còn 3/10 huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp; đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng thì 8/10 huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp.

Nguyên nhân chậm tiến độ chung được cơ quan hữu quan đưa ra là đa số các địa phương mới chỉ tập trung thực hiện công tác đo đạc tại thực địa, chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định để thực hiện thủ tục cấp giấy CNQSDĐ đối với diện tích đã đo đạc. Cùng với đó là người dân còn có tâm lý lo sợ khi giao đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, phát triển rừng thì không được canh tác, sản xuất trên nương nên chưa ủng hộ. Một số đơn vị tư vấn nguồn lực mỏng nên thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Điều đáng nói là UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành liên quan và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo kế hoạch. Trong đó phấn đấu đến hết tháng 6/2023 cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp chưa có rừng đạt tối thiểu 50% kế hoạch. Song kết quả đạt được rất hạn chế, tiến độ kế hoạch vẫn rất chậm. Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu định kỳ 1 tháng/lần hoặc khi đột xuất yêu cầu, cấp huyện phải báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. Song có những đơn vị không có khối lượng công việc để báo cáo (4 huyện và 1 thị xã trong quý I/2023 hầu như không triển khai thực hiện).

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch với những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể; Ban Chỉ đạo tỉnh cũng có Quy chế làm việc, đã nhiều lần kiểm tra thực tế, nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành. Song việc quy trách nhiệm và xử lý dường như chưa được thực hiện quyết liệt, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Cho đến thời điểm này, mặc dù kết quả thực hiện rất hạn chế, tiến độ rất chậm nhưng chưa có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm!

Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ kế hoạch rà soát, đo đạc thành lập bản đồ giao đất giao rừng, cấp GCNQSDĐ trên địa bàn?

Giao đất, giao rừng được xác định là một trong những công cụ quản lý rừng hiệu quả, đảm bảo việc duy trì, khôi phục độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, năng lực phòng hộ thông qua thực thi quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, rừng theo quy định của pháp luật.

Khi đất lâm nghiệp “có chủ” - được giao quản lý, cấp GCNQSDĐ thì công tác quản lý và bảo vệ rừng sẽ hiệu quả. Đồng thời góp phần quan trọng cải thiện sinh kế, thu nhập của người dân sống bằng nghề rừng. Từ đó thúc đẩy phát triển rừng bền vững, tăng độ che phủ rừng.

Ngược lại khi rừng thiếu chủ, hoặc “vô chủ”, trong khi còn nhiều hộ dân cần đất sản xuất, tạo sinh kế, sẽ dẫn đến hệ lụy người dân sử dụng đất rừng sai mục đích, thậm chí tự ý lấn chiếm, chặt phá rừng.

Có lẽ chính quyền địa phương không phải không biết rõ điều này, nhưng không hiểu sao kế hoạch giao đất giao rừng vẫn luôn chậm tiến độ?

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top