Quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng
ĐBP - Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tới đây sẽ xem xét, thảo luận và quyết định thông qua dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đề nghị ban hành nghị quyết quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ là bước đột phá, tạo cú hích trong việc tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.038/1.445 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố đang hoạt động, trong đó có 524/1.038 đội văn nghệ quần chúng được thành lập theo quyết định của UBND cấp xã, phường, thị trấn. Mỗi đội văn nghệ có từ 10 - 40 thành viên với hạt nhân văn nghệ tham gia chủ yếu là các diễn viên không chuyên, trung bình tổ chức khoảng 4.000 buổi biểu diễn/năm. Nhiều đội văn nghệ hoạt động tích cực, hiệu quả trong phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như nhiều tổ, đội văn nghệ hoạt động cầm chừng, theo mùa vụ, chưa thường xuyên, khi có chương trình, hội thi, hội diễn mới tập hợp thành viên để luyện tập. Bên cạnh đó, nội dung và hình thức hoạt động của các đội văn nghệ chưa thực sự sinh động, phong phú, các tiết mục văn nghệ chủ yếu do thành viên đội văn nghệ tự dàn dựng, tập luyện, biểu diễn.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của phong trào văn hóa, văn nghệ; công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa ở cơ sở còn chậm được đổi mới, có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ. Đa số đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố được thành lập trên tinh thần tự nguyện, toàn tỉnh mới có 524/1.038 đội văn nghệ chiếm tỷ lệ 50,4% được UBND xã ban hành quyết định thành lập và đã ban hành quy chế hoạt động nhưng nhìn chung chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng về tiêu chí, điều kiện, nguyên tắc hoạt động… Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện phục vụ cho hoạt động của các đội văn nghệ chưa được trang bị mà chủ yếu là các thành viên tự đóng góp kinh phí để sinh hoạt, thuê trang phục biểu diễn…
Trước yêu cầu của thực tiễn và để cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã trình Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về ban hành chính sách quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết những khó khăn trong thực tiễn, duy trì phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo dự thảo, nghị quyết của UBND tỉnh gồm 4 điều, trong đó đã xác định phạm vi điều chỉnh của chính sách quy định về mức kinh phí hỗ trợ hoạt động bao gồm mua sắm, thuê trang phục, đạo cụ, thiết bị, hóa trang; thuê đạo diễn, biên đạo, dàn dựng chương trình; bồi dưỡng cho diễn viên tập luyện, biểu diễn… Đồng thời xác định đối tượng áp dụng cụ thể của chính sách là đội văn nghệ quần chúng của thôn, tổ dân phố được thành lập theo Quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên trên địa bàn các huyện, thị xã và các xã trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (01 đội/thôn, tổ dân phố) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan với mức hỗ trợ là 4.000.000 đồng/đội/năm, tổng kinh phí thực hiện chính sách của tỉnh hàng năm là hơn 4 tỷ đồng.
Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức họp, nghiên cứu, đánh giá, phân tích và đồng thuận, nhất trí cao với UBND tỉnh về chủ trương, quan điểm và sự cần thiết ban hành chính sách quy định mức kinh phí hỗ trợ cho đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh.
Với trách nhiệm và sự tâm huyết, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát tình hình hoạt động và tham vấn ý kiến nhân dân trên địa bàn 4 huyện, thành phố về nội dung dự thảo chính sách nêu trên. Bên cạnh sự đồng thuận với mục đích, ý nghĩa và dự kiến mức kinh phí hỗ trợ, Ban Văn hóa - Xã hội đã kiến nghị với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là các bản, tổ dân phố thuộc phường của TP. Điện Biên Phủ để đảm bảo tính công bằng trong thụ hưởng chính sách, động viên phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân cũng như bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố nói riêng, đồng thời đề xuất mức hỗ trợ cho các đối tượng là đội văn nghệ quần chúng của bản, tổ dân phố được thành lập theo quyết định của UBND phường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (01 đội/bản, tổ dân phố) hỗ trợ: 2.000.000 đồng/đội/năm. Những kiến nghị nêu trên của Ban Văn hóa - Xã hội đã được Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, đánh giá cao và đồng thuận với kiến nghị, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tiếp thu để trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách tại kỳ họp HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Có thể nói, với sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên, cụ thể là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong quá trình tham mưu thì việc ban hành chính sách quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo bước đột phá trong việc ban hành chính sách, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch của tỉnh trong những năm tiếp theo.