Vấn đề tuần này

Bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe

08:06 - Thứ Năm, 11/05/2023 Lượt xem: 3108 In bài viết

ĐBP - Thời tiết khí hậu ngày càng cực đoan đã làm thay đổi quy luật tự nhiên, gây mưa nắng thất thường, lũ lụt hoành hành mức độ ngày càng nghiêm trọng, sức khỏe con người bị đe dọa, ảnh hưởng tuổi thọ...

Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó một phần lỗi do chính con người gây ra. Phát triển “nóng” các ngành công nghiệp phát tán nhiều khí thải nhà kính, thói quen dùng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày, đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp…

Với nông dân vùng cao Điện Biên nói riêng, các tỉnh Tây Bắc nói chung, cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm là vào “mùa đốt nương”. Thời gian đốt thường kéo dài cả tháng, kèm theo gió Lào, làm cho không khí như “đặc quánh” lại.

Việc đốt dọn thực bì là cách làm truyền thống, được áp dụng từ nhiều đời nay trong đồng bào vùng cao và chưa có giải pháp thay thế. Bà con có thói quen sản xuất nương luân canh. Gieo trồng lương thực tại đám nương này vài ba vụ, khi đất bạc màu, năng suất thấp sẽ luân canh đến các đám nương khác.

Bà con cho rằng, việc đốt nương không những giúp dọn thực bì nhanh chóng mà còn góp phần cải tạo đất hiệu quả. Sức nóng của lửa giúp hun khô xốp lớp đất bề mặt và làm sạch cỏ dại. Lớp tro than của thảm thực bì sau khi đốt sẽ là nguồn phân hữu cơ nuôi cây trồng vụ mới.

Tuy nhiên, việc đốt nương tràn lan đã kéo theo nhiều hệ lụy. Tàn tro, khói bụi phát tán hàng chục ki lô mét rồi rơi xuống khắp nơi, vào cả nhà dân; không khí khô đặc gây khó thở, gây bệnh viêm đường hô hấp ở người, nhiều nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi. Cùng với đó là gây nguy hiểm, đe dọa đến công tác phòng chống cháy rừng, cháy lán nương, nhà dân và các mặt kinh tế - xã hội khác.

Cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 vừa qua, thời tiết khu vực các tỉnh Tây Bắc luôn trong tình trạng nóng nực, ngột ngạt. Do khói đốt nương không phát tán đi xa được mà chỉ luẩn quẩn ở tầm thấp bầu trời nên hàng chục chuyến bay đi/đến Sân bay Điện Biên phải hủy bỏ.

Ngoài đốt nương tràn lan, cháy rừng ở các tỉnh Tây Bắc, còn là việc đốt nương từ các tỉnh Bắc Lào khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí càng thêm nghiêm trọng. Cụ thể, từ ngày 27/3 - 6/4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều nơi thuộc Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… luôn ở ngưỡng xấp xỉ 200 (rất xấu). Đặc biệt, có nơi trên 400 (mức nguy hiểm), như tại phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ, chỉ số AQI là 419 được ghi nhận vào ngày 27/3.

Trước thực trạng đó, ngày 6/4, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công điện yêu cầu tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng đốt lửa kể từ ngày 6/4 đến hết ngày 15/4. Đồng thời yêu cầu người dân thực hiện linh hoạt các biện pháp để hạn chế thấp nhất việc dọn thực bì bằng đốt lửa gây ảnh hưởng đến môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khuyến cáo các địa phương cần tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm khói bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lí khí thải đạt quy chuẩn kĩ thuật về môi trường.

Bảo vệ môi trường - trách nhiệm không của riêng ai. Bên cạnh ngành chức năng ban hành các văn bản, mệnh lệnh hành chính hạn chế, kiểm soát việc đốt nương; chú trọng công tác phòng chống cháy rừng; trồng rừng để điều hoà môi trường khí hậu thì mỗi người dân vùng cao cần ý thức hơn trong việc dọn dẹp thực bì, đốt nương.

Phong tục, tập quán đốt nương lấy đất sản xuất trong đồng bào vùng cao không thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng có thể hạn chế bằng cách tuân thủ thời gian đốt, kỹ thuật đốt, phạm vi đốt… Đặc biết, quá trình đốt nương cần có người giám sát, tránh để cháy lan vào rừng.

Hạn chế phát, đốt nương là bảo vệ rừng, bảo vệ “lá phổi xanh”, bảo vệ môi trường, không khí, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống và lợi ích kinh tế của chính chúng ta.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top