ĐBP - Tiếp tục chương trình khảo sát chuyên đề việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), chiều ngày 11/5, Tổ công tác của Đoàn giám sát số III của Quốc hội do Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội làm Tổ trưởng có buổi làm việc với Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Điện Biên.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Điện Biên được phân bổ nguồn vốn hơn 4.300 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình MTQG. Trong đó, Chương trình xây dựng NTM trên 373 tỷ đồng với 157 dự án; Chương trình giảm nghèo bền vững hơn 1.400 tỷ đồng, 100 dự án; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 2.500 tỷ đồng, 517 dự án. Trong 2 năm (2022 – 2023), tổng số vốn được Trung ương giao 3 chương trình là trên 3.600 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4/2023, tỉnh đã thực hiện giải ngân đạt 27,14% tổng kế hoạch vốn giao.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,19% (vượt mục tiêu đề ra) cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,35% (giảm 4,55% so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 44,41% (giảm 6,24%).
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận trao đổi một số nội dung: Vẫn còn nhiều văn bản chưa ban hành; vướng mắc về mô hình, bộ máy vận hành chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác quản lý, điều hành, tiến độ giải ngân các dự án; lý do chưa triển khai giải ngân dự án 9, dự án 6; công tác tập huấn cho cán bộ triển khai thực hiện chương trình; công tác phối hợp triển khai của sở, ngành, địa phương;…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến đã làm rõ thêm những nội dung tổ công tác yêu cầu. Đồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ ban hành 12 văn bản theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Theo các quyết định phê duyệt các chương trình MTQG của Thủ tướng Chính phủ, đối với từng Chương trình MTQG quy định khá nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và nội dung chi tiết thực hiện (khoảng 78 tiểu dự án, nội dung chi tiết); đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định của 3 chương trình theo hướng tích hợp thành 1 chương trình chung hoặc lồng ghép các nội dung thực hiện cho đồng bộ; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án đảm bảo thống nhất giữa pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật về đất đai...
Trước đó, sáng 11/5, Tổ công tác của Đoàn giám sát số III đã làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về việc thực hiện triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Tổ công tác đã tiếp nhận các kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh về: Ủy ban Dân tộc chưa ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3, 4 thực hiện tiểu dự án 2 của dự án 5; hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 1 của dự án 9; tại điểm b, mục 3, Quyết định 1719/QĐ-TTg quy định “Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số” gây khó khăn cho tỉnh trong việc mời gọi các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm; sớm sửa đổi, bổ sung thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình để địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai.