Dân với Đảng
ĐBP - Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông số cũng kéo theo sự thay đổi lớn về nhu cầu và cách tiếp cận thông tin của người dân. Nguồn thông tin phong phú lại dễ tiếp cận từ các nguồn khác nhau cũng khiến công chúng bị “ngợp” và khó lựa chọn thông tin hữu ích, nhất là các thông tin về chính sách. Trong bối cảnh thông tin không chính thống, thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thậm chí có những đối tượng lợi dụng sức mạnh của mạng xã hội bóp méo sự thật... bùng nổ, rất cần “kênh” chính thống để việc tuyên truyền thông tin chính sách hiệu quả.
Từ nhiều năm nay, các phương tiện thông tin đại chúng với vai trò chủ lực là các cơ quan báo chí đã phát huy tốt vai trò là cầu nối đưa các chính sách đã được ban hành đến nhân dân. Có thể khẳng định vai trò của báo chí trong việc tổ chức các kênh lấy ý kiến, tiếp nhận ý kiến phản hồi của nhân dân trong triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ngày 21/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Chỉ thị nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách, bố trí kinh phí để tăng cường truyền thông chính sách. Cùng với đó là nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách. Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số...
Chính phủ yêu cầu các cơ quan báo chí phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cấp chính quyền trong công tác truyền thông chính sách. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.
Nhân dân đặt niềm tin vào các cơ quan báo chí trong việc đưa thông tin về chính sách đến nhân dân bằng các biện pháp, số liệu, phân tích cụ thể. Cũng mong báo chí vẫn là kênh quan trọng để chính quyền các cấp lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới hoặc điều chỉnh chính sách đã ban hành cho phù hợp. Người dân cũng mong chính quyền các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ truyền thông chính sách qua các kênh thông tin chính thống đảm bảo kịp thời, chất lượng thông tin được chuẩn bị tốt nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.