Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV

11:49 - Thứ Hai, 22/05/2023 Lượt xem: 2958 In bài viết

Sáng 22-5, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm.

Phiên khai mạc kỳ họp.

Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố...

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và các đại biểu Quốc hội thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội dành phút mặc niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước khi bước vào phiên khai mạc kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đúng 9h, phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV diễn ra dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Kỳ họp với nhiều nội dung rất quan trọng

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp.

Tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành. Theo đó, kỳ họp thứ năm được chia làm 2 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: Đợt 1 từ ngày 22-5 đến ngày 10-6; đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 24-6 (dành một tuần giữa 2 đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối lỳ họp). Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

Thông tin một số nội dung trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp, đối với công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.

“Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri, nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

“Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thu được kết quả toàn diện và tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nỗ lực vượt khó trong năm 2023

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2022, dù trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn, tuy nhiên nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo.

Trên cơ sở tổng hợp, báo cáo của các bộ, cơ quan, kết quả đánh giá tình hình thực hiện 12 tháng đã tiếp tục khẳng định nhận định nêu trên, cơ bản thống nhất với nội dung Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, bao gồm 12 nhóm kết quả đạt được, 10 hạn chế, khó khăn, các nguyên nhân chủ quan, khách quan và 6 bài học kinh nghiệm.

So với báo cáo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn. Tuy nhiên, có 2/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 1 chỉ tiêu không đạt).

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã cùng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Chính phủ cũng khẳng định, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản (5,6%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước ngay trong quý II và cả năm, tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; trong đó chú trọng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top