Giám sát chuyên đề khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các sở

18:07 - Thứ Hai, 22/05/2023 Lượt xem: 4953 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Công tác quản lý Nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2020 – 2022”, ngày 22/5 Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) làm việc với 2 sở: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường.

Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) làm việc với Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về việc xác định giá, kê khai, đăng ký giá, quy cách chất lượng sản phẩm, công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành kế hoạch hoặc chỉ thị về việc sử dụng cát nghiền các loại đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách ngoài đầu tư công, vốn đối tác công tư. Đề nghị Sở Tài chính xây dựng lại khung giá tính thuế tài nguyên đối với cát tự nhiên và bổ sung giá cát nghiền, đá dăm các loại phù hợp với giá bán thực tế tại các điểm mỏ khai thác.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2020 – 2022, Sở đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch khoáng sản hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 14/14 khu vực điểm mỏ, cát, đá sỏi. Trong giai đoạn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu của UBND tỉnh cấp 1 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; cấp 12 giấy phép thăm dò khoáng sản; chuyển nhượng 3 giấy phép khai thác khoáng sản; điều chỉnh 2 giấy phép khai thác khoáng sản. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp ngân sách nhà nước là 24,196 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị: Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tham mưu sửa đổi Luật Khoáng sản, các văn bản dưới Luật theo hướng không coi đất đắp là khoảng sản đối với các tỉnh dư thừa nguồn đất để tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi thuận lợi trong quá trình quản lý, hạ giá thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn. Cơ quan có thẩm quyền sớm tổ chức điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản theo quy định để khoanh định và công bố là khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; xem xét và ban hành quy định về quản lý và cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông, suối nhỏ khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm liên quan những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; một số đơn vị được cấp giấy phép khai thác nhưng chưa đủ điều kiện khai thác. Công tác thanh tra, kiểm tra và phát hiện, xử lý sau thanh tra, kiểm tra; trách nhiệm của Sở trong việc nghiệm thu, đưa vào khai thác các dự án điểm mỏ khai thác khoáng sản. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình về công tác tham mưu cho UBND tỉnh quản lý vật liệu san lấp; công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác; đánh giá lại việc quản lý cấp phép và tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác cung ứng ra thị trường phục vụ các công trình, dự án đầu tư công giai đoạn đầu năm 2020 – 2021; thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo môi trường và phục hồi sản xuất cho người dân; các khoản thu từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của các sở, đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Thường trực HĐND tỉnh và các cấp có thẩm quyền xem xét.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top