Đề xuất 27 cơ chế đặc thù mới cho TP Hồ Chí Minh: Tránh dàn trải và "non" sức nặng

13:35 - Thứ Sáu, 26/05/2023 Lượt xem: 3573 In bài viết

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng.

Sáng 26-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 4 nhóm cơ chế, chính sách. Trong đó, ngoài các chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, dự thảo Nghị quyết quy định 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa cho thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, trường hợp thành phố dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chính phủ cũng đề xuất cho phép thành phố Hồ Chí Minh được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.

Quy định UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán. Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

Quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của thành phố.

Thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ các sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm.

Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Cũng theo tờ trình của Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố. Quy định HĐND thành phố Thủ Đức quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND thành phố Thủ Đức…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

“Cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng”, ông Lê Quang Mạnh nói.

Dự thảo quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định trên vì chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thời điểm có hiệu lực không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua); trong khi đó, nếu được Quốc hội cho phép, sẽ thông qua cuối tháng 6-2023. Bên cạnh đó, nhiều nội dung cần hướng dẫn thi hành đến nay chưa hoàn tất. Vì vậy, đề nghị quy định phù hợp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top