Cân nhắc việc "mời" lãnh đạo bộ, ngành tham gia đoàn giám sát của Quốc hội

14:35 - Thứ Bảy, 27/05/2023 Lượt xem: 3596 In bài viết

Sáng 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể, các chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như: dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Quang cảnh phiên họp sáng 27-5.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Cơ bản nhất trí với 4 chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để thực hiện giám sát trong năm 2024, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát chuyên đề cũng như thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Nhấn mạnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát đã có nhiều đổi mới, tăng cường, ngày càng thực chất, hiệu quả, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần tiếp tục phân định rõ, nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa trong hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.

“Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát”, đại biểu Tạ Đình Thi nêu quan điểm.

Về chương trình giám sát năm 2024, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đề xuất đưa giám sát việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ tư và thứ năm. Đại biểu cho rằng, việc đưa nội dung giám sát Nghị quyết Quốc hội về hoạt động chất vấn trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn là một điều rất cần thiết và phù hợp; đồng thời, sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đề nghị, tiếp tục quan tâm, giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên của Chính phủ. 

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) phát biểu.

Để công tác giám sát có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, cần tích cực thu thập các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về nội dung giám sát. Sau giám sát, phải ban hành kết luận Nghị quyết của cuộc giám sát, nêu cụ thể kết quả đạt được, hạn chế, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và có kiến nghị, yêu cầu cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị, việc tham gia Đoàn giám sát của đại diện các cơ quan hữu quan, đặc biệt là lãnh đạo các bộ, cần được tiếp tục tính toán, cân nhắc kỹ hơn nữa.

“Lãnh đạo các bộ tham gia vừa với tư cách chuyên gia tham gia Đoàn giám sát, vừa với tư cách là cơ quan chịu sự giám sát, đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giám sát”, đại biểu nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát Quốc hội năm 2024, Nghị quyết về thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội trong kỳ họp thứ năm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top