Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của lực lượng Công an nhân dân cần phù hợp với Bộ luật Lao động

18:26 - Thứ Bảy, 27/05/2023 Lượt xem: 5561 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (27/5), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, ĐBQH tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm đảm bảo thể chế nghị quyết của Đảng và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật quy định “Lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất: Mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam quy định tại các điểm a, e, g khoản này và 04 tháng đối với nữ quy định tại các điểm a, đ, e khoản này. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành”. Theo đại biểu, như vậy thì các trường hợp là hạ sĩ quan, cấp uý, thiếu tá, trung tá sẽ không tăng theo lộ trình mà tuổi nghỉ hưu sẽ tăng ngay 02 năm so với quy định hiện hành. 

Đồng chí Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giải trình về đề xuất tăng ngay 02 tuổi đối với các trường hợp là hạ sĩ quan, cấp uý, thiếu tá, trung tá để thu hẹp khoảng cách về hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm nêu trên so với người lao động vì hiện nay hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm trung tá, thiếu tá, cấp úy và hạ sĩ quan thấp hơn nhiều so với mức hạn tuổi phục vụ cao nhất trong CAND và quy định của Bộ luật Lao động theo tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục. Sở dĩ Luật Công an nhân dân và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành quy định hạn tuổi phục vụ đối với lực lượng công an, quân đội thấp hơn độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc lại là do yếu tố đặc thù trong thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng công an, quân đội. 

“Quy định này chưa phù hợp với thực tiễn (vì đề nghị tăng đột ngột, người lao động chưa kịp thích nghi) và chưa phù hợp với Bộ luật Lao động 2019 (vì không theo lộ trình. Bộ Luật Lao động quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi). Trong khi tại trang 2, Tờ trình số 146/TTr-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ nêu “Bộ luật Lao động được coi là luật gốc về tuổi nghỉ hưu của người lao động”. Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi để đảm bảo lộ trình phù hợp với Bộ luật Lao động, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính công bằng về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức” - Đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt.

Về thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật quy định “Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 01/01/2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Theo đại biểu, nội dung này chưa phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương. Do đó, đề nghị không quy định thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 01/01/2021 mà quy định theo hướng thời điểm tăng tuổi phục vụ tính từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Về một số trường hợp đặc biệt được kéo dài tuổi phục vụ, Dự thảo Luật quy định “Trường hợp đặc biệt sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều này có thể được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền”. Như vậy có nghĩa là bất cứ trường hợp nào dù là công nhân, hạ sĩ quan, cấp uý, thiếu tá, trung tá... đều có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, như vậy là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Đồng chí Phó trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị rà soát, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Tráng A Tủa đã cung cấp thông tin cho các vị ĐBQH về đề xuất hàm cấp tướng; đề xuất cấp hàm Đại tá đối với chức danh Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; những vị trí việc làm được xếp vào công nhân công an tại Trung ương và địa phương ...

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt cho rằng, theo dự thảo luật thì chỉ có Công an cấp xã mới thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài. Quy định như vậy chưa đáp ứng với chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chưa đảm bảo tương thích với Điều ước Việt Nam đã ký kết với Lào, Campuchia và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Đề nghị bổ sung theo hướng Đồn Biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu được thực hiện kiểm soát việc tạm trú và tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài tại khu vực biên giới.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top