Sinh hoạt tư tưởng
ĐBP - Chủ nghĩa hình thức dùng để chỉ hiện tượng chú trọng đến cái bên ngoài hơn nội dung bên trong. Khi quá chú trọng đến hình thức, coi thường nội dung thì gọi đó là căn “bệnh” hình thức. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở phải chống các biểu hiện chuộng hình thức. Người đã từng căn dặn: “Phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm”, trong đó có “ham chuộng hình thức”.
Những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm, đấu tranh loại bỏ căn “bệnh” hình thức. Phần nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đề cập rõ biểu hiện này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chúng ta thấy “bệnh” hình thức vẫn còn xuất hiện không ít. Khi thì thể hiện trong tư tưởng, định hướng chỉ đạo, cung cách tổ chức hoạt động của tập thể; khi là quan điểm sống, cách sống cá nhân, dòng họ, hội nhóm... Chắc có người sẽ phản biện rằng, hình thức được quan tâm, chú trọng thì tốt chứ sao. Quả đúng là, hình thức chỉn chu, đẹp đẽ, chu toàn thì không có lỗi; chỉ là không phù hợp, là “bệnh” chuộng hình thức, khi nó đi cùng với nội dung không tương xứng, bị lơ là, bỏ qua, xem nhẹ.
Ví như, một lễ tổng kết rõ là tráng lệ, linh đình về khánh tiết, khách mời...; nhưng đánh giá về nội dung tổng kết thì hời hợt, qua loa: Không rõ kết quả, chẳng tường hạn chế, cũng chung chung luôn cả kế hoạch, giải pháp nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo. Hay như gần đây, nhờ sự tiện lợi của mạng xã hội, mà chúng ta thấy các phong trào bề nổi ở nhiều ngành rầm rộ; dày đặc hơn; không phân biệt địa bàn, điều kiện cơ sở vật chất, con người.
Có những cán bộ, viên chức khóc dở vì cái sự chuộng hình thức, chuộng phong trào quá mức của cấp trên. Trong khi nhiệm vụ chuyên môn thì không sâu sát, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ cấp dưới hoàn thành. Nhưng chuẩn bị kỷ niệm, hội hè, hoạt động ngoại khóa, hay có đoàn kiểm tra... thì mọi thứ cứ “rối như canh hẹ”. Cơ quan, đơn vị mình “đội hình” phải hoành tráng, trang phục phải được đầu tư, công tác chụp ảnh, ghi hình... phải được quan tâm hàng đầu. Sau đó là, mọi hoạt động phải được đưa ngay lên trang mạng xã hội của đơn vị; mọi nhân viên có trách nhiệm chia sẻ...
Hãy cảnh giác với “bệnh” hình thức, bởi hậu quả của nó không chỉ là tốn thời gian, tốn kinh phí; mà chắc chắn nghiêm trọng hơn nhiều. Chúng ta sao có thể chờ đợi sự phát triển, tiến bộ thực sự của một tổ chức, đơn vị, cá nhân chỉ từ sự bóng bẩy bề ngoài.