Sẽ giải quyết, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc mua sắm vắc xin và giải ngân vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia

22:23 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 3798 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sau mỗi phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Liên quan đến nội dung về khó khăn, vướng mắc trong mua sắm vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng và giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia được đồng chí Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình làm rõ:

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình ý kiến ĐBQH chiều 31/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện mua sắm vắc xin

Giải trình về việc mua sắm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước. 

Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Quyết định số 1125/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện mua sắm tập trung vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV (ARV), Vitamin A và cấp phát cho các địa phương thực hiện.

Giai đoạn năm 2021 - 2022, do Chương trình mục tiêu y tế - dân số chỉ được thực hiện đến hết năm 2020. Đồng thời, Luật Đầu tư công (sửa đổi) năm 2019 không còn Chương trình mục tiêu y tế - dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó không có nội dung mua vắc xin. Nội dung này chuyển thành các nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương. Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, theo đó Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho 02 năm 2021 và 2022.

Năm 2023, các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương nên theo quy định của Luật Đầu tư công và phân cấp ngân sách nhà nước, Bộ Y tế không được phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ này. 

Trước những khó khăn, vướng mắc về việc mua sắm vắc xin và thực trạng thiếu vắc xin tại các địa phương, để đảm bảo vắc xin năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này. Theo đó, Bộ Y tế phối hợp cùng với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây. 

Đồng thời, để có căn cứ pháp lý và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung bố trí nguồn ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng vào dự thảo nghị quyết tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến ĐBQH sáng 1/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tăng cường phân cấp cho địa phương trong phân bổ vốn

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đó là vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương, theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực (sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hoá, kinh tế…) dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương, nội dung cần thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được. Địa phương không được tự điều chỉnh vì thẩm quyền này của trung ương. Việc giao vốn như hiện nay không sai so với quy định của pháp luật hiện hành nhưng làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách. Do đó, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội (ngày 31/5), ĐBQH Tạ Thị Yên đã có ý kiến, đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã đề nghị với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ giao vốn sự nghiệp như giao vốn đầu tư công trung hạn; đồng thời tăng cường phân cấp cho các tỉnh và các bộ, ngành. Cơ quan trung ương chỉ quy định về định mức, tiêu chuẩn, tiêu chí, như thế việc giải ngân sẽ nhanh hơn.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top