ĐBP - Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Đặc biệt, qua đào tạo, bồi dưỡng, đã góp phần xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năng động, sáng tạo, linh hoạt xử lý công việc phù hợp với điều kiện thực tiễn, đó là những mặt tích cực sau khi anh Sùng A Măng, Bí thư Đảng ủy xã Sá Tổng (huyện Mường Chà) được tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Anh Măng cho biết, tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là việc làm cần thiết. Bởi qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng nâng lên về nhiều mặt.
Tại huyện Mường Nhé, với đặc thù của huyện vùng cao, biên giới nên đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở phần lớn là người dân tộc thiểu số. Căn cứ tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo quy định, tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cơ quan, đơn vị trong huyện; Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện xây dựng kế hoạch, thường xuyên cử cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Riêng từ năm 2021 đến nay, huyện Mường Nhé đã cử hơn 1.300 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, hơn 70% là người dân tộc thiểu số.
Theo ông Tạ Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé, việc chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng luôn được huyện đặc biệt quan tâm trên tinh thần bảo đảm khách quan, dân chủ trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch cán bộ. Trong đó, huyện ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong quy hoạch, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Sau đào tạo, lực lượng này, đặc biệt là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có sự chuyển biến về nhận thức; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên, nhất là đối với các địa phương vùng cao, biên giới, huyện đặc biệt khó khăn. Ông Hoàng Văn Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Chà khẳng định: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác này, không chỉ tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện, bồi dưỡng mà còn tạo ra luồng gió mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị... từ đó góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Thực tiễn cho thấy, nơi đâu quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì nơi đó sẽ có sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Thống kê của cơ quan chức năng, 3 năm gần đây, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức hơn 300 lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm... với gần 30.000 lượt người tham gia. Nhìn chung, sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp cơ sở đều đạt chuẩn theo quy định. Điều này được thể hiện rõ khi mỗi cán bộ đã phát huy vai trò, trách nhiệm đối với dân, nhất là thực hiện tốt chế độ lấy ý kiến Nhân dân trước khi quyết định các công việc có liên quan đến đời sống người dân... từ đó được Nhân dân đồng tình, tin tưởng.