Thêm “chốt chặt” để kiểm soát quyền lực

15:38 - Thứ Hai, 24/07/2023 Lượt xem: 5703 In bài viết

Quy định mới về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ lần này là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 15-5-2023.  Ảnh: CPV

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định có hiệu lực kể từ ngày 11/7/2023, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Theo đó, Quy định với 5 Chương, 16 điều đã liệt kê cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 5 hành vi tiêu cực khác, trong đó có việc không bố trí người có quan hệ gia đình làm lãnh đạo ở 13 ngành.

Cụ thể, theo Quy định 114, các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, bao gồm: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác này. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, Quy định 114 cũng liệt kê cụ thể các hành vi “chạy chức, chạy quyền” bao gồm: Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác… “Chạy” tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

Việc dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cũng được coi là hành vi “chạy chức, chạy quyền”.

Ngoài ra, các hành vi tiêu cực khác như gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện với nhân sự và cơ quan trình nhân sự...

Chưa hết, Quy định mới của Bộ Chính trị dành hẳn một chương nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó, có trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo….

Một điểm nhấn quan trọng không thể không nhắc đến trong Quy định chính là việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Quy định nhấn mạnh cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí. Đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Người có quan hệ gia đình là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng).

So với quy định năm 2019 của Bộ Chính trị, Quy định lần này chi tiết các ngành cấm bố trí người có quan hệ gia đình. Theo quy định cũ, những người có quan hệ gia đình không được cùng đảm nhiệm các chức danh như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Một số chuyên gia lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, Quy định mới về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền lần này là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Đồng thời cũng góp phần ngăn chặn để những kẻ “chạy chức, chạy quyền” không thể “chui” vào hàng ngũ để có thể “leo cao, luồn sâu”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, Quy định đã rất rõ ràng, nhưng thực tiễn việc áp dụng không phải dễ dàng. Để thực hiện được, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải tự nhận thấy được ý nghĩa của quy định để có nhận thức đúng đắn trong cách hành xử. Từ đó phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng và biết liêm sỉ. Điều đó phải xuất phát từ lòng trung thực, từ nhân cách lớn của cán bộ, đảng viên.

Nhưng nói gì thì nói, với những quy định mới, với tính răn đe mạnh mẽ, được kỳ vọng đóng vai trò như một chốt chặn, khiến cán bộ, đảng viên nhìn thấy mà chùn tay, không thể, không dám, không muốn vi phạm, những phần tử cơ hội biết sợ. Đây cũng chính là “lá chắn” bảo vệ những cán bộ, đảng viên biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết, trước hết. Từ đó tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

 Trong Quy định, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm các quy định đã nêu, nếu bị khiển trách thì sau 12 tháng mới được xem xét quy hoạch; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Người bị cảnh cáo sẽ bị xem xét miễn nhiệm, sau 30 tháng mới được quy hoạch. Người bị cách chức, sau 60 tháng mới được xem xét quy hoạch. Người bị khai trừ Đảng sẽ bị đề xuất buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo Dangcongsan.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top