Sinh hoạt tư tưởng

Nêu gương hiệu quả

09:22 - Thứ Tư, 26/07/2023 Lượt xem: 5048 In bài viết

ĐBP - Vừa qua một người bạn chia sẻ với tôi rằng, anh thấy băn khoăn khi thủ trưởng đơn vị chỉ định bộ phận chuyên môn giới thiệu với cơ quan truyền thông đại chúng về một cá nhân điển hình tiên tiến. Nguyên nhân của sự băn khoăn này là vì, cá nhân được giới thiệu đã từng sai phạm trong quá trình làm nhiệm vụ, chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, vì thế cách đây vài năm được điều chuyển công tác xuống vị trí thấp hơn. Anh B. nói:

- Tôi cho rằng, cá nhân đó chưa xứng đáng là điển hình tốt để giới thiệu cho cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, ghi nhận.

- Tôi thì lại nghĩ, nếu chỉ nguyên nhân như cậu vừa nêu thì chưa đủ để khẳng định cá nhân đó có thực sự xứng đáng được đề xuất nêu gương, tuyên truyền nhân rộng hay không. Bởi vì, thiếu sót, sai lầm thì ai cũng có thể mắc phải trong quá trình làm việc. Quan trọng là ở chỗ, lỗi sai do đâu (vô tình hay cố ý; có phải do vụ lợi cá nhận, suy thoái biến chất hay không...); nhận thức sau sai phạm thế nào; tinh thần, nỗ lực sửa chữa sai phạm, phấn đấu thay đổi ra sao...

Và một điểm nữa mà tôi nghĩ không kém phần quan trọng là, khi ta đặt cá nhân trên trong tổng thể nơi đang công tác, thực hiện nhiệm vụ. Nếu thực sự, cán bộ đã từng sai phạm; nhưng nay sau thời gian dài theo dõi thấy rằng có tiến bộ vượt bậc. So với các cán bộ, nhân viên khác có vị trí, lượng công việc tương đương; những khó khăn vướng mắc gặp phải khi triển khai nhiệm vụ như nhau, thậm chí là khó khăn hơn… nhưng cán bộ này làm tốt hơn cả, thì việc đề xuất nêu gương có thể xem là phù hợp...

- Tôi chưa “cân đong” được kỹ như bạn vừa nói, bởi với một cán bộ quản lý có nhiều chức trách, nhiệm vụ khác nhau; việc đánh giá từng việc cũng phải có kỳ hạn cụ thể. Song thành tích xuất sắc, nổi bật hẳn so với các cá nhân khác thì tôi và nhiều đồng nghiệp khác có chung nhận định là chưa thấy. Theo tôi, với đồng chí này, lãnh đạo quan tâm sát sao, ghi nhận kịp thời những thay đổi, tiến bộ, ghi nhận sự nỗ lực của cá nhân tại tập thể nơi công tác, hoặc cấp trên trực tiếp là phù hợp rồi.

- Nếu là như thế thì băn khoăn thật.

Nêu gương điển hình rất quan trọng, nhất là lại nêu gương trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều người quan tâm biết đến. Tuyên truyền điển hình để ghi nhận, từ đó nhân rộng. Nếu điển hình chưa thực sự điển hình, thì với tập thể, cá nhân nơi công tác có thể dẫn đến tư tưởng bất đồng; kéo lùi năng suất, hiệu quả công việc; thậm chí mất đoàn kết... Rộng hơn, nguy hại hơn, nếu nêu gương điển hình chưa thực sự điển hình sẽ dẫn đến hiệu ứng ngược, làm suy giảm niềm tin vào việc tôn vinh, nêu gương điển hình; nảy sinh nghi ngờ về sự công tâm, khách quan khi khen thưởng...

Thảo Vi
Bình luận

Tin khác

Back To Top