ĐBP - Xây dựng chính quyền số được huyện vùng cao Nậm Pồ xác định là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... Qua đó, làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Hoạt động của cơ quan ở các cấp sẽ ứng dụng CNTT để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. Tại huyện Nậm Pồ hiện đã và đang xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số được huyện Nậm Pồ xác định với các trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số... Trong đó, chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu được huyện Nậm Pồ khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử. Cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Cụ thể, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện Nậm Pồ đã quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay hệ thống quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện đến xã tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử. Nhờ đó, tỷ lệ trao đổi văn bản trên môi trường điện tử cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 100%. Tất cả cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND các xã sử dụng chữ ký số chuyên dụng, tỷ lệ văn bản điện tử ban hành có ký số đạt 98,7%. Ðặc biệt, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của huyện đã kết nối liên thông 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã trên nền tảng sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Ðảng, Nhà nước. Huyện đã triển khai ứng dụng phần mềm họp không giấy tại các cuộc họp của HÐND huyện và bước đầu đã triển khai tập huấn cho các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện. Triển khai ứng dụng 2 dịch vụ đô thị thông minh là: Dịch vụ Phản ánh hiện trường Ðiện Biên Smart và dịch vụ giám sát danh tiếng trên mạng Reputa.
Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Ðảng ủy xã Si Pa Phìn chia sẻ: “Tài liệu trong kỳ họp HÐND huyện (nếu in ra) có thể lên tới 1kg giấy. Nên việc HÐND huyện tổ chức kỳ họp không giấy (tài liệu được thay thế bằng điện tử và trực tuyến) tôi rất đồng tình và ủng hộ, bởi không chỉ tiện lợi cho đại biểu mà còn tiết kiệm được thời gian họp bàn, kinh phí tổ chức”.
Huyện triển khai thực hiện chuẩn hóa tất cả các quy trình thủ tục hành chính nội bộ, điện tử cấp huyện, xã trên Cổng thông tin giải quyết TTHC tỉnh Ðiện Biên để đảm bảo triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến và liên thông cấp tỉnh, huyện, xã. Kết quả giải quyết TTHC trên Cổng thông tin giải quyết TTHC tỉnh Ðiện Biên (từ 1/1 - 31/5/2023): Tổng số hồ sơ giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả của cơ quan, đơn vị qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh là: 3.055 hồ sơ; số hồ sơ TTHC mức 3, 4 được tiếp nhận và giải quyết: 2.416 hồ sơ.
Ðẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, trang Thông tin điện tử huyện Nậm Pồ đã cập nhật nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND huyện; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện 100% các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã triển khai nộp thuế điện tử và tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx (chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số). Một số hợp tác xã, hộ kinh doanh đã bắt đầu tham gia các sàn thương mại điện tử, nhằm quảng bá, tiếp cận tới người tiêu dùng theo phương thức mới. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai định danh điện tử trên địa bàn toàn huyện, 100% cơ sở y tế, trường học trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Huyện đã có kênh tương tác 2 chiều để người dân được tham gia vào cùng cơ quan Nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương với chính quyền (phần mềm phản ánh hiện trường, trang thông tin điện tử huyện...).
Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong đẩy mạnh và thực hiện chính quyền số trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo cơ sở phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện.