Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả

09:28 - Thứ Bảy, 05/08/2023 Lượt xem: 4915 In bài viết

Bám sát các nghị quyết của Trung ương và Ðề án, kế hoạch của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ðiện Biên đã chủ động thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành.

Sáp nhập, tinh gọn bộ máy giúp các đơn vị, chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoạt động thống nhất, hiệu quả hơn. Trong ảnh: Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm trao đổi, thống nhất kế hoạch thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực lâm nghiệp.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Năm 2021, cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở NN&PTNT gồm: 6 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; 5 đơn vị hành chính; 11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc và 2 tổ chức khác được thành lập theo yêu cầu nhiệm vụ (Văn phòng Ðiều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Văn phòng thường trực Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh Ðiện Biên).

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời căn cứ quy định về cơ cấu tổ chức của Sở; tiêu chí thành lập phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở, tiêu chí thành lập chi cục và phòng thuộc chi cục được quy định tại các Nghị định của Chính phủ, Sở NN&PTNT đã xây dựng Ðề án số 1564/ÐA-SNN ngày 15/7/2022 về rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính thuộc sở. Ðề án được UBND tỉnh phê duyệt ngày 9/12/2022.

Sau khi được phê duyệt đề án, Sở NN&PTNT đã thực hiện sáp nhập Phòng Trồng trọt vào Chi cục Bảo vệ thực vật, đổi tên thành Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; sáp nhập Phòng Chăn nuôi - Thủy sản vào Chi cục Thú y, đổi tên đơn vị và chức năng nhiệm vụ thành Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản. Qua đó giảm đầu mối 2 phòng chuyên môn. Trước năm 2023, Ðiện Biên là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành cả nước còn Chi cục Lâm nghiệp. Xuất phát từ những tồn tại và nhu cầu thực tiễn, năm 2023 Sở đã sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm qua đó tiếp tục giảm 1 chi cục. Tiếp đó, giải tán Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, phân cán bộ công chức về các hạt trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy, hiện nay cơ cấu tổ chức của Sở NN&PTNT gồm: 4 phòng chuyên môn, 5 đơn vị hành chính, 9 đơn vị sự nghiệp trực thuộc và 2 tổ chức khác.

Bà Hà Thị Cương, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Sở NN&PTNT cho biết: Sở đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy đối với các đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Thực hiện tinh gọn bộ máy đã giải quyết dứt điểm thực trạng các đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước kéo dài nhiều năm qua. Từ đó, thành lập mới các đơn vị hành chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, trực tiếp tham mưu cho sở, UBND tỉnh về các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động về trách nhiệm, ý thức trong thực thi công vụ. Việc sắp xếp, sáp nhập bảo đảm khoa học giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao đúng quy định, nâng cao hiệu quả quản lý.

Trước đây, Chi cục Thú y và Phòng Chăn nuôi - Thủy sản có nhiều chồng chéo trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Từ 1/5/2023, sau khi được sáp nhập, đổi tên đơn vị và bổ sung chức năng nhiệm vụ, hạn chế trên đã được giải quyết dứt điểm.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết: Sau khi sáp nhập về một đầu mối tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh thuộc lĩnh vực chăn nuôi được thống nhất, kịp thời hơn.

Tương tự, tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, sau khi sáp nhập, các công việc, nhiệm vụ được thực hiện hiệu quả, mang tính thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa bàn 5 xã Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè (huyện Mường Nhé) với diện tích 46.730ha. Trước đây, bộ máy tổ chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có 1 hạt kiểm lâm với 6 biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng của khu dự trữ thiên nhiên. Huyện Mường Nhé cũng có 1 hạt kiểm lâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện các kế hoạch, giải pháp quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, trong đó có cả diện tích Khu Bảo tồn. Trên cùng 1 địa bàn có 2 hạt kiểm lâm đã dẫn đến những chồng chéo khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Cuối tháng 4/2023, Sở NN&PTNT đã giải thể Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, phân công các công chức kiểm lâm về Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố.

Ông Nguyễn Ðình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: Sau khi tinh gọn bộ máy, khối lượng công việc nhiều thêm song việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và xử lý vi phạm thực hiện thống nhất từ cấp xã đến cấp huyện; giải quyết dứt điểm sự chồng chéo trong công tác tham mưu cho UBND các cấp như trước đây.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top