Tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với một chủ trương lớn của Đảng

15:15 - Thứ Năm, 17/08/2023 Lượt xem: 4497 In bài viết

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn của Đảng nhằm khẳng định một lần nữa yêu cầu nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu định hướng Hội nghị.

Sáng 17/8, tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” (Chỉ thị 20-CT/TW).

Chủ trì và điều hành Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị trực thuộc các cơ quan ban Đảng, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị chức năng của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế...

Các đồng chí chủ trì Hội nghị.

Nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, phổ biến Chỉ thị đã được các cấp ủy nghiêm túc thực hiện với nhiều hình thức (Hội nghị quán triệt; hội nghị tập huấn; trang tin điện tử; sao lục văn bản; văn bản chỉ đạo...), đảm bảo mục đích, yêu cầu của Chỉ thị. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, thông qua việc làm rõ quá trình hình thành và phát triển của tổ chức đảng. Trên cơ sở đó, tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, rút ra những bài học kinh nghiệm, những vấn đề lý luận cách mạng cho sự phát triển trong những chặng đường tiếp theo của cách mạng Việt Nam.

Giữ vai trò định hướng tư tưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 102-HD/BTGTW, ngày 30/9/2019 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 331/KH-HVCTQG, ngày 30/7/2018 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW tới các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác lịch sử Đảng tiếp tục đạt những kết quả khả quan:

Một là, các cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, có sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và con người, tạo điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, góp phần gia tăng tính hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ sở.

Hai là, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Điểm sáng là kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII và bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy tính ứng dụng trong công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tại các trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông, góp phần tích cực vào công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng trong tình hình mới.

Ba là, công tác sưu tầm tài liệu được đẩy mạnh, nhất là nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng qua các kênh ngoại giao văn hóa. Công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử được tổ chức, sắp xếp khoa học theo hướng đẩy mạnh số hóa theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng.

Bốn là, công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện một cách hệ thống, bài bản với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nâng cao nhận thức, bồi đắp tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.

Năm là, công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh thực hiện lồng ghép trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân. Thông qua việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm, coi trọng phẩm chất, năng lực của người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tổ chức dạy học, chất lượng và hiệu quả giáo dục được cải thiện đáng kể.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh những mặt tích cực và kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập, xuất phát từ những nguyên nhân như: Một số cấp ủy nhận thức chưa thật đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW còn chậm, thiếu quyết liệt, thiếu đầu tư, hoặc đầu tư chưa đúng tầm mức, hiệu quả chưa cao. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, dẫn đến tình trạng thiếu chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện ở một số cấp ủy. Đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Một số cấp ủy chưa thật quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ. Công tác tham mưu, ban hành văn bản quy phạm về nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, quy định các mức chi trong hoạt động nghiên cứu lịch sử Đảng của một một số cơ quan Trung ương còn chậm, chưa kịp thời....

Bài học kinh nghiệm rút ra từ những kết quả đạt được cũng như hạn chế, bất cập qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW là:

Thứ nhất, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy có ý nghĩa, vai trò mang tính quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Thực tiễn đã cho thấy, nơi nào có sự quan tâm sát sao, đầu tư thích đáng nơi đó việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW bài bản, quy lát, đồng bộ, chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phảm nghiên cứu rất cao.

Thứ hai, việc nhận thức sâu sắc Chỉ thị số 20-CT/TW nói riêng và vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng nói chung có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ trong xây dựng Đảng mà cốt lõi hơn, cao hơn là nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trên mặt trận chính trị, tư tưởng; không chỉ là một nhiệm vụ riêng lẻ mà phải đặt trong tổng thể các nhiệm vụ chính trị trọng yếu, từ đó có hành động đúng đắn, đúng trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả.

Thứ ba, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ mang đến nguồn lực to lớn trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Trên tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dân ta phải biết sử ta”, công tác lịch sử Đảng là nghĩa vụ, trách nhiệm, nhiệm vụ của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ nhân tố căn cốt quyết định sự thành công của công tác này.

Tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với một chủ trương lớn của Đảng

Phát biểu định hướng Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trải qua chặng đường vẻ vang hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, lịch sử dân tộc đã ghi dấu, in đậm quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì quyền làm chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những thành tựu vĩ đại mà nhân dân ta giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng là những minh chứng sống động, hùng hồn về vai trò, năng lực lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng đối với cách mạng nước ta, được ghi vào vào lịch sử dân tộc “những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan Triển lãm sách về Lịch sử Đảng trong khuôn khổ Hội nghị.

“Truyền thống cách mạng đó cần được tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng và toàn xã hội để cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc và tự hào về Đảng - “Đảng của dân tộc”, “Đảng của nhân dân”, với đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học, gắn bó mật thiết, máu thịt với Tổ quốc và nhân dân. Từ đó, không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc học tập, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tiếp nối những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam", Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về ”Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” là một chủ trương lớn của Đảng nhằm khẳng định một lần nữa yêu cầu nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Từ những kết quả, thành tựu và hạn chế, bất cập nêu trong báo cáo sơ kết 5 năm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị đại biểu dự Hội nghị tiếp tục phân tích, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị thời gian tới. Trong đó tập trung thảo luận, trao đổi, làm sáng tỏ một số vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW; ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hai là, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.

Ba là, chất lượng nghiên cứu, biên soạn và khả năng ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng; nhất là các công trình biên niên sự kiện lịch sử Đảng, văn kiện Đảng và quan hệ quốc tế của Đảng.

Bốn là, sưu tầm, khai thác bổ sung tư liệu lịch sử Đảng, nhất là tư liệu lịch sử Đảng ở nước ngoài và tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử; công tác bảo quản, lưu trữ, đẩy mạnh số hoá tư liệu lịch sử Đảng.

Năm là, những vấn đề liên quan đến giải pháp và hiệu quả của công tác đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; việc ứng dụng các thành tựu công nghệ, nền tảng truyền thông; chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng; chính sách thu hút những người có năng lực, có trình độ cao, đúng chuyên ngành phục vụ công tác; vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW...

Theo tuyengiao.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top