Xây dựng hội nông dân vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của hội viên, nông dân trong tỉnh

09:26 - Thứ Hai, 18/09/2023 Lượt xem: 4657 In bài viết

Ðồng chí: Mùa A Sơn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

ĐBP - Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự phối hợp của HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan; công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Ðiện Biên có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện và trở thành phong trào hành động cách mạng của nông dân. Hoạt động của các cấp hội nông dân đã có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị của tỉnh.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: Nông dân bản Nà Khuyết, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) kiểm tra đàn ong trước khi lấy mật. Ảnh: Sầm Phúc

Các cấp Hội nông dân đã luôn bám sát tình hình thực tế, hướng về cơ sở, tập trung vào những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà tỉnh đang triển khai thực hiện; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; vận động hội viên, nông dân thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và dự án đầu tư công, các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp hội, hội viên, nông dân trong tỉnh tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm chống dịch với phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”; vào thời điểm giãn cách xã hội ở một số nơi ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hội viên, nông dân trong tỉnh thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ cử tri tham gia bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử Ðại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức hội nông dân phát động và thực hiện hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, tiêu biểu như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phát triển mạnh mẽ gắn với thực hiện các phong trào, cuộc vận động như: “Nông dân Ðiện Biên chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… thu hút đông đảo hội viên, nông dân toàn tỉnh tham gia. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức phát triển kinh tế tập thể.

Các cấp Hội nông dân chủ động phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân, từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người nông dân. Hình thành một số mô hình liên kết theo chuỗi “Sản xuất - Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm” giữa doanh nghiệp và người dân. Nhiều hộ gia đình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, góp phần đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.

Tổ chức hội nông dân các cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và số lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, toàn tỉnh có 129 cơ sở Hội, 1.446 chi hội, với trên 84.600 hội viên, chiếm 78,4% hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Hằng năm, có 100% hội cấp huyện và cơ sở Hội được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có cơ sở Hội yếu kém.

Những kết quả đạt được của Hội Nông dân tỉnh và các cấp hội trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp hội nông dân, của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Bước vào nhiệm kỳ 2023 - 2028, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen; các cấp hội nông dân cần phân tích, đánh giá thẳng thắn những hạn chế, yếu kém trong hoạt động công tác Hội nhiệm kỳ qua, đề ra những giải pháp cụ thể để “Xây dựng Hội nông dân vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của hội viên, nông dân trong tỉnh”. Nhiệm kỳ tới, tổ chức hội nông dân các cấp trong tỉnh cần quan tâm, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, vị trí của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao trách nhiệm trong tham gia xây dựng, phát triển giai cấp nông dân ngày càng vững mạnh toàn diện. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình hành động số 04-CTrHÐ/TU ngày 16/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Khuyến khích, tạo điều kiện để hội viên, nông dân tích cực lao động, sản xuất, không ngừng học tập nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật; không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.

Hai là, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà Ðại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Ðiện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và Kế hoạch số 93-KH/TU, ngày 18/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hoàn thành hỗ trợ làm nhà “Ðại đoàn kết” cho các hộ nghèo trước ngày 3/2/2024, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ do Trung ương và tỉnh phát động.

Ba là, các cấp hội nông dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện phương châm “Nơi nào có nông dân, nơi đó có tổ chức Hội”. Phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, là người bạn đồng hành của nông dân, là cầu nối liên kết hiệu quả “4 nhà” trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học), đặc biệt là vai trò cầu nối trong các chuỗi giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Chủ động nắm tình hình hội viên, nông dân; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với các cấp chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân; quan tâm chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

Bốn là, các cấp hội nông dân phải thể hiện rõ hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, mà nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề, xuất khẩu lao động cho nông dân; hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp hướng dẫn, tín chấp để hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập tại chỗ cho hội viên, nông dân.

Năm là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế; nhất là các đề án, chương trình, kế hoạch mà tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện như: Ðề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Tăng cường vận động nông dân tích tụ đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng “Tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển các chuỗi liên kết giá trị”. Tập trung phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, các nhà đầu tư trong tuyên truyền hội viên, nông dân tham gia phát triển cây mắc ca theo hình thức liên kết thông qua mô hình hợp tác xã. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Sáu là, các cấp hội nông dân tiếp tục chủ động, tích cực tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, trọng tâm là giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn; tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng các cơ chế, chính sách, nhất là về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động và là nòng cốt của phong trào nông dân, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội; chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở, góp phần xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra.

Bình luận

Tin khác

Back To Top