Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ

09:37 - Chủ Nhật, 24/09/2023 Lượt xem: 5572 In bài viết

ĐBP - Nhận thức đúng tầm quan trọng của giám sát và phản biện xã hội; những năm qua, ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh luôn tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững, mạnh, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mường Chà phối hợp giám sát “Việc thực hiện pháp luật về quản lý, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật” giai đoạn 2022 - 2023. Ảnh: C.T.V

Từ khi Quyết định số 217-QÐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nghị quyết Liên tịch (NQLT) số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ÐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (sau đây viết tắt là NQLT số 403) được ban hành, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh ngày càng được tăng cường; được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao.

Hàng năm, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với Ðoàn ÐBQH tỉnh (cấp tỉnh), HÐND, UBND các cấp thống nhất nội dung, chương trình giám sát, phản biện xã hội, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian giám sát và nội dung phản biện xã hội trước khi trình cấp ủy cho ý kiến thực hiện. Cử cán bộ tham gia đầy đủ các cuộc giám sát của đoàn ÐBQH, HÐND các cấp theo đề nghị; cơ quan thuộc chính quyền tham gia đầy đủ các chương trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ theo quy định. Các kiến nghị sau giám sát của mặt trận về cơ bản được UBND và các cơ quan liên quan xử lý và trả lời; thông báo kết quả phản biện được tiếp thu và trả lời theo quy định.

Qua 5 năm (2017 - 2022) thực hiện NQLT số 403, giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức 1.072 cuộc giám sát, kiến nghị tới các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn 2.353 ý kiến ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp 759 cuộc; các đoàn thể chính trị - xã hội 315 cuộc). Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực được đông đảo Nhân dân quan tâm, như: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; chính sách tín dụng của Nhà nước đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách và việc thu, quản lý, sử dụng các khoản quỹ đóng góp…

Về giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ðến nay, tỉnh Ðiện Biên đã thành lập 129/129 ban thanh tra nhân dân với 1.222 thành viên; thành lập 121 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.147 ủy viên. Trong giai đoạn 2013 - 2022, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 522 cuộc giám sát, kiến nghị 222 ý kiến; trong đó, gần 200 ý kiến được xem xét, giải quyết. Ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện 704 cuộc giám sát, kiến nghị 363 ý kiến; trong đó, 179 ý kiến được xem xét, giải quyết. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào xây dựng các công trình nước sạch, kênh mương, đường giao thông liên thôn, bản; việc công khai các loại phí và thủ tục hành chính, chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ các chương trình sản xuất, giảm nghèo bền vững… Qua giám sát đã gửi kiến nghị đến các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý các dự án yêu cầu khắc phục những sai phạm, thiếu sót góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn đối với các trường hợp vi phạm.

Cùng với việc triển khai thực hiện các hoạt động giám sát, hàng năm Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh căn cứ yêu cầu, tình hình thực tế để ban hành văn bản đề nghị HÐND, UBND, các cơ quan, ban, ngành cùng cấp đăng ký nội dung dự thảo văn bản cần phản biện xã hội để xây dựng kế hoạch, lựa chọn hình thức tổ chức thực hiện theo quy định. Giai đoạn 2018 - 2022, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức thực hiện 27 hội nghị, tham gia 304 ý kiến phản biện. Ý kiến phản biện được các cơ quan tham mưu của Ðảng, chính quyền tiếp thu, chỉnh lý trước khi ban hành. Ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì thực hiện 10 cuộc phản biện bằng hình thức gửi dự thảo văn bản được phản biện đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến, tham gia 116 ý kiến phản biện (cấp tỉnh 10 cuộc, phản biện 113 ý kiến; cấp huyện 2 cuộc, phản biện 3 ý kiến).

Từ những kết quả trên cho thấy, công tác giám sát, phản biện của ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vai trò, quyền và trách nhiệm của ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Qua đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top