ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số từ năm 2021 – 2023 trên địa bàn tỉnh, ngày 4/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn thực hiện giám sát tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Điện Biên; Bưu điện tỉnh; Viettel Điện Biên; Viễn thông Điện Biên.
Làm việc với đoàn giám sát, các đơn vị đã báo cáo những kết quả nổi bật trong công tác CCHC, chuyển đổi số; giải trình những nội dung mà thành viên đoàn giám sát yêu cầu. Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong công tác CCHC, chuyển đổi số như: Việc liên thông dữ liệu ngân hàng với các sở, ngành chưa được rộng rãi; khó khăn trong việc mở tài khoản ngân hàng, đặc biệt là tại các bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới, mạng Internet; mức độ sử dụng qua dịch vụ Bưu chính công ích chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng thủ tục hành chính giải quyết tại các sở, ngành, UBND các xã; Bưu chính Viettel Điện Biên chưa tiếp cận được dịch vụ chuyển phát các dịch vụ thuộc cơ quan quản lý hành chính công của nhà nước trên địa bàn tỉnh; đến thời điểm hiện tại việc xây dựng trạm BTS của Viễn thông Điện Biên vẫn còn 63 cơ sở hạ tầng cần phải điều chỉnh để làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất và thuê đất; trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ VTCI cho hộ nghèo còn bị sai lệch thông tin.
Các đơn vị kiến nghị với UBND tỉnh, các cơ quan chức năng một số nội dung trọng tâm: Sớm tổ chức đối thoại giữa chính quyền, ngân hàng với doanh nghiệp; thực hiện liên thông kết nối dữ liệu giữa ngân hàng với các sở, ngành, đơn vị; xem xét giao cho Bưu điện thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trong việc chi trả các chế độ trợ cấp, hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo; tích hợp dịch vụ biên lai điện tử vào Cổng hành chính công. Đề nghị Trung tâm tin học – Sở Thông tin và truyền thông mở kết nối cổng hành chính công để các nhà mạng có thể tham gia; xem xét giải quyết các vấn đề tồn tại, có cơ chế đặc thù với các trạm thu phát sóng di động (trạm BTS/NodB) có diện tích nhỏ đang nằm trên phần đất chồng lấn giao đất của người dân, doanh nghiệp, đất rừng và đất rừng phòng hộ; bố trí quỹ đất để các doanh nghiệp viễn thông có thể xây dựng các trạm phát sóng đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân thuận lợi.
Đồng chí Giàng Thị Hoa đánh giá cao những kết quả các đơn vị đã đạt được trong công tác CCHC, chuyển đổi số. Đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC chuyển đổi số trong thời gian tới. Những kiến nghị đề xuất, đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.