Đổi tên "căn cước công dân" thành "căn cước" để bao hàm đủ thông tin

15:29 - Thứ Tư, 25/10/2023 Lượt xem: 3822 In bài viết

Ngày 25-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Căn cước.

Thẻ căn cước công dân được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn

Tại phiên họp, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước. 

Theo đó, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân. Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân. Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. 

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về dự án Luật Căn cước.

Dự thảo Luật Căn cước quy định, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân được cấp đổi sang thẻ căn cước khi có yêu cầu. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc khóa, mở khóa căn cước điện tử 

Bên cạnh tên gọi, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin. Có ý kiến đề nghị phân loại các trường thông tin bảo đảm logic, khoa học, thuận tiện; cân nhắc các trường thông tin bảo đảm tính ổn định, thường xuyên. 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết. 

Đồng thời, dự thảo luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ. 

Các trường thông tin còn lại là những thông tin nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại; các thông tin này sẽ được cập nhật qua cung cấp tự nguyện của người dân và được chia sẻ qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ các giao dịch hành chính, dân sự.

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về dự án Luật Căn cước.

Điều 16 dự thảo luật quy định, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước. 

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và qua xem xét, đánh giá nội dung dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định việc khóa, mở khóa căn cước điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ như dự thảo Luật chưa đủ căn cứ vững chắc, có thể dẫn đến xâm phạm quyền công dân và gây thiệt hại cho công dân.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lược bỏ một số quy định về khóa, mở khóa căn cước điện tử; chỉnh lý một số nội dung trong dự thảo luật; đồng thời thiết kế bổ sung 1 khoản để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước trong việc khóa, mở khóa căn cước điện tử của công dân.

Theo quy định của dự thảo luật, việc khóa căn cước điện tử phải thông báo ngay cho người bị khóa thẻ. Việc mở khóa phải thực hiện trong thời gian chậm nhất là 2 ngày làm việc. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.  

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top