Tư duy mới, tầm nhìn xa

10:36 - Thứ Sáu, 22/12/2023 Lượt xem: 4131 In bài viết

Trong xu thế mở cửa hội nhập toàn cầu hiện nay, Quảng Ngãi đã và đang hình thành một tư duy mới, tầm nhìn xa để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để cùng với cả nước vươn lên, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ngãi xác định có 4 hành lang kinh tế chiến lược để phát triển. Hành lang kinh tế này được hình thành dựa trên những tiềm năng liên kết vùng, liên kết nội tỉnh và trên các phân vùng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Thứ nhất là hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất - TP.Quảng Ngãi - Sa Huỳnh). Đây có thể gọi là hành lang kinh tế trọng điểm của Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2050. Bởi lẽ, đây là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Hành lang kinh tế này có chức năng dẫn đắt, điều phối và là điểm tựa cho các hành lang kinh tế khác phát triển. 

Hành lang kinh tế này có chức năng liên kết với các trung tâm kinh tế, đô thị và dịch vụ hành chính, gắn kết các huyện đồng bằng, ven biển trong tỉnh; đồng thời gắn với việc xây dựng các phương án bố trí không gian phát triển các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics,… nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển có chiều sâu.

Quảng Ngãi đang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp.

Thứ hai là hành lang kinh tế Đông Tây phía bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối huyện Trà My và cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Hành làng kinh tế này là lối mở để nền kinh tế Quảng Ngãi hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Đây là một lợi thế mà không phải tỉnh, thành phố nào cũng có được, vì hành lang kinh tế này nối KKT Dung Quất với các huyện phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một hành lang kinh tế vận chuyển xuất nhập khẩu nhộn nhịp, giao thương hàng hóa quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, sinh thái và nông, lâm nghiệp của Quảng Ngãi.

Thứ ba là hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y). Từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong (TX.Đức Phổ) - Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi. Nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành kinh tế thủy sản, nông – lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ du lịch, trọng điểm là địa bàn thị xã Đức Phổ. Đây còn là hành lang cửa ngõ kinh tế biển, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.

Và cuối cùng là hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng). Đây là hành lang kinh tế xanh, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các hành lang kinh tế khác. Do đó, cần tập trung đầu tư khai thác những lợi thế của khu vực này để cùng nhau phát triển. Khi kết nối với hai hành lang kinh tế Đông Tây của tỉnh thì sẽ hình thành mạng lưới hạ tầng kết nối đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, mục tiêu của việc định hình các hành lang kinh tế là nhằm liên kết các khu vực ở trong và ngoài tỉnh. Trên nền tảng đó, Quảng Ngãi sẽ nỗ lực hướng đến mục tiêu trở thành một trong những hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng.


Đến nay, Quảng Ngãi đã hình thành được 6 KCN. Trong đó, có 4 khu nằm trong KKT Dung Quất là KCN phía Tây, KCN Đông Dung Quất, KCN Bình Hòa - Bình Phước, KCN Tịnh Phong và 2 KCN nằm ngoài KKT Dung Quất là KCN Phổ Phong, KCN Quảng Phú. Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Quảng Ngãi sẽ có 10 KCN nên sẽ tiếp tục thu hút đầu tư thêm 4 KCN nữa, gồm: KCN Dung Quất II, KCN Bình Thanh (KKT Dung Quất) và KCN Bình Long và KCN An Phú.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất về đêm. Ảnh Đăng Lâm

Với KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), định hướng phát triển trong thời gian đến là tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước di dời và không thu hút đầu tư đối với những doanh nghiệp có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phát triển, mở rộng 5 KCN hiện có (4 KCN nằm trong KKT Dung Quất và 1 KCN nằm ngoài KKT Dung Quất) tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh. Được biết, các KCN hiện có của Quảng Ngãi không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, mà thực sự trở thành đầu tàu đưa nền kinh tế của Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các KCN, KKT, Quảng còn coi trọng việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp (CCN), với mục tiêu đảm bảo sự hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sự phát triển của các KCN, KKT trong tỉnh. Trong thời gian đến, Quảng Ngãi sẽ thực hiện di dời 3 CCN gồm 2 cụm ở TP.Quảng Ngãi (CCN Tịnh Ấn Tây, CCN phường Trương Quang Trọng) và 1 cụm ở huyện Ba Tơ (CCN thị trấn Ba Tơ), vì không còn phù hợp với quá trình đô thị hóa của tỉnh, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tiếp tục duy trì, mở rộng 17 CCN hiện có và thành lập mới 19 CCN tại các vị trí có tiềm năng, đảm bảo các yêu cầu phát triển.

Thành phố Quảng Ngãi về đêm. Ảnh Alex Cao

Lĩnh vực đô thị, dịch vụ du lịch của Quảng Ngãi hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với Quảng Ngãi trong hành trình mở cửa hội nhập và phát triển hiện nay. Do đó, tỉnh đã đề xuất và được Chính phí đồng ý xây dựng Khu du lịch Mỹ Khê và Khu du lịch đảo Lý Sơn trở thành khu du lịch quốc gia. Nhưng để làm được điều đó, yêu cầu đặt ra đối với Quảng Ngãi là cần huy động tổng lực các nguồn vốn để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2 khu du lịch này.

Xây dựng lộ trình phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các KCN, CCN tập trung. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đạt được các chỉ tiều về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất…

Hạ lưu sông Trà Khúc. Ảnh Alex Cao

Cùng với đó, Quảng Ngãi cũng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư để phát triển, hình thành các khu du lịch cấp tỉnh tại, gồm: Khu du lịch biển Sa Huỳnh, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ núi Ngang, Khu du lịch sinh thái Thạch Bích, Khu du lịch Bình Châu, Khu du lịch sinh thái núi Cà Đam, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Nước Trong, Khu du lịch sinh thái Kà Tinh, Khu du lịch sinh thái thảo nguyên Bùi Hui, Quần thể đô thị nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Thạch Bích - Núi Chúa…

Đồng thời, Quảng Ngãi cũng tận dụng lợi thế của khu vực dọc tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (từ huyện Tư Nghĩa đến thị xã Đức Phổ) để hình thành các khu du lịch - dịch vụ - đô thị và nông lâm nghiệp ven biển. Khu vực này được xác định và coi phát triển du lịch là chức năng chủ đạo, làm động lực thúc đẩy và phát triển các khu đô thị mới dọc theo tuyến ven biển, góp phần tạo động lực phát triển cho khu vực đô thị ven biển phía nam của tỉnh.

Thắng cảnh Gành Yến (Bình Sơn). Ảnh M.Thu

Để giữ chân du khách và hình thành đa dạng các sản phẩm du lịch, trong thời gian đến, Quảng Ngãi sẽ xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng một số sân golf kết hợp với các khu nghỉ dưỡng, du lịch, thể thao, kinh doanh sân golf, vui chơi giải trí, khu đô thị dịch vụ tại các địa điểm có tiềm năng và lợi thế. Đây cũng là khát vọng phát triển của ngành du lịch Quảng Ngãi.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Biến thách thức thành cơ hội; phát triển bền vững; phát triển tập trung; tập trung vào phát triển hạ tầng; yếu tố liên kết vùng.

Việc đầu tư dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng là một quyết định táo bạo của Quảng Ngãi. Công trình có tổng chiều dài tuyến là 26,88 km, với điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc, TP. Quảng Ngãi.

Mô hình đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho hay, công trình Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương chọn là công trình trọng điểm của tỉnh đưa vào danh mục các công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) đến KKT Dung Quất, TP.Quảng Ngãi và các địa phương phía nam của tỉnh.

Đồng thời, tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi. Đặc biệt là, giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là trong giờ cao điểm hiện đang bị quá tải, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho nhân dân.

Theo baoquangngai.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top