Công tác dân tộc năm 2023 đạt nhiều kết quả quan trọng

18:37 - Thứ Ba, 02/01/2024 Lượt xem: 4953 In bài viết

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, việc thực hiện chương trình dân tộc năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, cả nước nói chung.

Quang cảnh Hội nghị.

Chiều 2/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự còn có đồng chí Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an; các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ủy ban và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc, lãnh đạo một số sở, ban, ngành 53 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Công tác dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng

Tại Hội nghị, đồng chí Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác dân tộc năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo đó, năm 2023, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục biến động, phức tạp, khó lường, với thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn so với dự báo. Hậu quả của đại dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình dân tộc, với những mục tiêu, nội dung cụ thể, phấn đấu thực hiện.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà trình bày Báo cáo tại Hội nghị.

Ủy ban Dân tộc xác định, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm có nghĩa rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu của giai đoạn. Do vậy, ngay từ đầu năm Ủy ban Dân tộc đã tập trung quyết liệt công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thường xuyên quan tâm, tổ chức thực hiện chương trình dân tộc và đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và cả nước nói chung.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện nâng cao.

Một số tỉnh ước tỷ lệ nghèo năm 2023 giảm nhanh như: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang 5,96%... Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2023, theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; dự kiến cuối năm 2023 thêm 09 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đã được đẩy mạnh, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi phù hợp. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tạo điều kiện hình thành và nhân rộng. Nhiều địa phương chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chất lượng cao. Số xã có sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP ngày càng nhiều... Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện tốt...

Về văn hóa-giáo dục-y tế, trong năm 2023, công tác văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được tiếp tục tạo điều kiện đầu tư, phát triển. Công tác thông tin, tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện.

Đại biểu tham dự tại các điểm cầu địa phương.

Công tác giáo dục, đào tạo nghề, hướng nghiệp cho thanh niên người dân tộc thiểu số, việc thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình được tích cực thực hiện. Hệ thống trường học và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tiếp tục đầu tư; các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định... Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh nhân dân, an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.

Trong năm 2023, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa phần ổn định. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra bình thường. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các vị chức sắc, chức việc tích cực tham gia tuyên truyền vận động đồng bào, tín đồ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hoạt động tuyên truyền chống, phá Nhà nước lắng dịu hơn; tuy nhiên một số nơi, thế lực thù địch, phản động vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", tuyên truyền đạo trái pháp luật, sử dụng mạng xã hội lan truyền thông tin tạo dư luận bất đồng...

 

Theo đánh giá chung của Ủy ban Dân tộc, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính. Ủy ban dân tộc và các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...

Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về chương trình dân tộc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ...

Các bộ, ngành Trung ương đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo điều hành thực hiện chương trình dân tộc và phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao...

Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2023 tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai; công tác chỉ đạo điều hành đôi lúc còn chậm, chất lượng tham mưu chưa cao; việc thực hiện công tác dân tộc ở địa phương còn lúng túng về cơ chế, triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân tộc trong năm 2024

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, để Chương trình công tác năm 2024 đạt được các mục tiêu đề ra, Ủy ban dân tộc định hướng tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:

Thứ nhất, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến chương trình dân tộc.

Thứ hai, chỉ đạo, triển khai thực hiện các đề án trong chương trình công tác năm 2024 trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực chương trình dân tộc.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện tốt, chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ tư, các cấp, các ngành tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chương trình dân tộc, chính sách dân tộc đến đồng bào dân tộc thiểu số...

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Lưu Sơn Hải, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030.

Thứ sáu, nắm bắt, tiếp nhận và thực hiện việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp; xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chương trình dân tộc và chính sách dân tộc.

Thứ bảy, đôn đốc, kiểm tra các địa phương triển khai tổ chức thành công Đại hội Dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện lần thứ IV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Lê Tuấn Hà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Ủy ban Dân tộc.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp cơ chế tổ chức các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Tại Hội nghị, nhằm đánh giá một cách toàn diện về những kết quả đạt được trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên cả nước, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã báo cáo bổ sung, làm rõ hơn về tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong năm 2023 vừa qua; nêu bật một số kết quả cũng như những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Cần quan tâm đúng mức tới công tác dân tộc

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: Trong năm 2023, công tác dân tộc đã được đặc biệt quan tâm và cũng đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Có rất nhiều cách làm, mô hình hay được phát hiện, qua đó thể hiện được sự nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác dân tộc; đồng thời đúc rút ra được nhiều bài học hay, quý báu.

Cho rằng, công tác dân tộc vẫn còn không ít khó khăn về cả chủ quan lẫn khách quan, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm đúng mức tới công tác dân tộc; linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực tiễn và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Khẳng định, công tác dân tộc liên quan tới rất nhiều lĩnh vực, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Ủy ban Dân tộc cần tiếp tục phát huy vai trò điều phối chủ đạo các chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giữa các bộ, ngành, qua đó phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo trong thực hiện.

Đồng chí cho rằng cần đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; quan tâm tới các trường học dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc dựa trên cơ sở phân cấp, đồng thời bố trí người có năng lực và kinh nghiệm hỗ trợ. Các địa phương cũng cần tích cực trao đổi kinh nghiệm triển khai.

Đồng chí Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh cho biết: Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp thu nghiêm túc và cụ thể hóa các ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ bằng các chương trình, kế hoạch công tác.

Đồng chí khẳng định, thời gian tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dân tộc, đồng thời bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quyết liệt phối hợp, ủng hộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp, triển khai các chương trình dân tộc một cách hiệu quả nhất.

* Cũng tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Lưu Sơn Hải, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho đồng chí Lê Tuấn Hà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Ủy ban Dân tộc.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top