Công dân Việt Nam định cư nước ngoài có đầy đủ quyền liên quan đất đai như cá nhân trong nước

14:28 - Thứ Hai, 15/01/2024 Lượt xem: 3213 In bài viết

Đây là một trong những quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường thứ 5, sáng nay, 15/1.

Chỉ thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại khi xây dựng khu đô thị

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo luật chỉnh sửa các quy định theo hướng: đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước.

"Quy định tại dự thảo luật đã được rà soát, bảo đảm thống nhất với Luật Quốc tịch. Trường hợp người gốc Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản, làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thì việc xác định chủ thể có quyền thực hiện dự án theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là "dự án đầu tư xây dựng khu đô thị".

Về thiết kế kỹ thuật chính sách, quy định tại dự thảo luật làm rõ hơn tính chất của dự án khu đô thị thuộc trường hợp xem xét thu hồi là "dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng".

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thiết kế kỹ thuật như vậy tương tự và đồng nhất với cách thiết kế kỹ thuật tại các khoản khác của Điều 79. Điều 79 chỉ quy định về các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi thực hiện thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại Điều 79 sẽ phải đáp ứng các căn cứ, điều kiện quy định tại Điều 80 về "Căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Điều 72 về "Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" đã có quy định về việc trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất trong đó có dự án thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu.

6 đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp lao động sản xuất

Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 201); quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp Quân đội, Công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (điểm h khoản 3 Điều 201), trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 710, dự thảo luật quy định về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bao gồm: Đơn vị Quân đội, đơn vị Công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc QĐND, CAND; doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quản lý, bao gồm cả "doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn" do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Toàn cảnh hội trường.

Doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quản lý được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt do mình tạo lập. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm chặt chẽ khi mở rộng quyền này so với Nghị quyết số 132/2020/QH14, dự thảo luật quy định: trường hợp mua, bán tài sản gắn liền với đất, xử lý tài sản thế chấp, tài sản góp vốn thì chỉ được thực hiện trong nội bộ giữa các đối tượng sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy định của luật này theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, tuân thủ đúng các nguyên tắc được được xác định theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 59-KL/TW và 90-KL/TW, trong đó, lưu ý quy định rõ tại các văn bản pháp lý với bên thứ ba về các điều kiện xử lý tài sản thế chấp, góp vốn phù hợp với quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top