ĐBQH Điện Biên chất vấn về giải pháp phát triển Làng Văn hóa - Du lịch

19:14 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 5534 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (18/01), Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023”. Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã chất vấn về giải pháp phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, thành viên Uỷ ban Văn hoá, giáo dục đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch nội dung liên quan đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lò Thị Luyến thông tin, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được phê duyệt quy hoạch tổng thể năm 1997, đến nay đã có 27 năm xây dựng và phát triển, với vị trí thuận lợi, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, không gian, diện tích rộng lớn và đây là một trong những thiết chế văn hoá được đầu tư rất lớn từ ngân sách. Một trong những mục tiêu xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là xây dựng một trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có quy mô lớn, đồng bộ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Qua báo cáo và khảo sát thực tế tại Làng, đại biểu nhận thấy việc đầu tư xây dựng và hiệu quả hoạt động của Làng còn nhiều hạn chế. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách mới được phân bổ đạt 65,2% kế hoạch, chưa thu hút được đầu tư từ nguồn xã hội hoá dẫn đến hạ tầng chưa đồng bộ. Hạ tầng được đầu tư khai thác không hiệu quả, xuống cấp, thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Hiện nay trong Làng hầu như không có các dịch vụ phục vụ khách du lịch (thiếu khu nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, tổ chức hội nghị, khu vui chơi, giải trí…).

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời gian tới như thế nào để đạt được mục tiêu xây dựng Làng” - Đại biểu Lò Thị Luyến nêu câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lò Thị Luyến, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có thời điểm hoạt động chưa hiệu quả.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với mong muốn nơi đây trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong gần 20 năm tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho Làng chỉ được 1.500 tỷ đồng để làm một số cơ sở hạ tầng chính. “1.500 tỷ đồng với một thiết chế văn hoá cấp quốc gia thì rất nhỏ” - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định. Bộ trưởng cho biết, nhiệm kỳ này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 1.100 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện thiết chế cứng của Làng, nhưng đến nay cũng chưa được phân bổ vốn. Hiện nay, Bộ đang gấp rút hoàn thiện khu dịch vụ để đưa vào vận hành, khai thác

Về việc vận hành, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương đã vận động đưa được 16 nhóm nghệ nhân của 16 dân tộc về sinh sống và hoạt động thường xuyên tại Làng. Hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương để vận động bà con ra sinh sống.

“Hiện nay việc đầu tư, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vướng rất nhiều chính sách, đơn giản như chính sách hỗ trợ cho bà con ra sinh sống và hoạt động tại Làng cũng vậy. Bà con với tư cách là chủ thể sáng tạo để giới thiệu, bảo tồn văn hoá của dân tộc mình thì phải có chính sách cho họ. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu từ Làng với giá vé tham quan là 30.000 đồng/lượt thì rất khó để duy trì. Hiện nay Bộ đang kiến nghị với Bộ Tài chính để xem xét, cân đối kinh phí hỗ trợ theo định mức cho các nghệ nhân” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Theo thống kê, bình quân hàng năm có hơn 8.000 lượt nghệ nhân, già làng, trưởng bản đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia, đã tái hiện hơn 200 nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc sắc. Ngoài ra, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã quản lý, vận hành, khai thác và tổ chức hoạt động định kỳ, thường xuyên của 16 nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc sinh sống, hoạt động thường xuyên tại Làng. Theo thông tin từ Ban Quản lý, năm 2023 Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đón khoảng 450.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top