Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp

16:23 - Thứ Năm, 20/06/2024 Lượt xem: 4729 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (20/6), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với việc ban hành Luật. Đồng thời, đồng tình cao với quy định hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác. Đại biểu cũng nhất trí việc tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn trong dự thảo Luật.

Cần có chế tài để giảm thiểu tối đa “quy hoạch treo”

Dẫn chiếu khoản 1 Điều 43, đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá, dự thảo Luật đã đề cập đến nội dung định kỳ hoặc khi xuất hiện các điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch đô thị và nông thôn phải được xem xét rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Một trong những điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn đó là Quy hoạch đô thị và nông thôn không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội...

“Việc quy định các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch theo định kỳ và khi xuất hiện các điều kiện điều chỉnh quy hoạch để kịp thời điều chỉnh hoặc huỷ bỏ đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn là cần thiết, bởi thực tế hiện nay, tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch quá thời hạn nhưng không được triển khai thực hiện, gây khó khăn cho người dân trong việc ổn định cuộc sống” - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu khẳng định.

Báo cáo của Bộ Xây dựng có đánh giá “Trong triển khai thực tế, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch đôi khi còn chưa được kịp thời; nội dung đánh giá còn chưa đầy đủ, thấu đáo.... Trên thực tế, một số đồ án quy hoạch chung khi thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch đều tại thời điểm chưa triển khai thực thiện hết thời hạn quy hoạch (20 – 25 năm)…”.

Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên đó là pháp luật hiện hành về quy hoạch chưa có sự thống nhất, đồng bộ, chưa có quy định làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát về thực hiện công tác quy hoạch, chưa kiên quyết làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung quy định về kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch; trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch để góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng “quy hoạch treo” hiện nay.

Đối với dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Quốc hội, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành.

Cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân công, phân cấp

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thông tin, Luật Khoáng sản hiện hành có 18 thủ tục hành chính. So với luật hiện hành, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản có thêm 02 thủ tục hành chính mới phát sinh đó là: (1) Thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia - Điều 36 dự thảo Luật; (2) Bổ sung, điều chỉnh phương pháp, khối lượng, hạng mục công việc thi công trong phạm vi khu vực thăm dò; thăm dò bổ sung - điểm c khoản 1 Điều 50, điểm h khoản 2 Điều 62 dự thảo Luật.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, việc thống kê, rà soát, đánh giá tác động thủ tục hành chính chưa thực sự đầy đủ. Trong dự thảo Luật vẫn còn nhiều quy định làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà chưa làm rõ được quy trình, thủ tục thực hiện. Trong hồ sơ dự án Luật cũng chưa thể hiện đánh giá tác động về chi phí tuân thủ pháp luật cũng như yêu cầu quản lý nhà nước, môi trường đầu tư kinh doanh, ví dụ: Nhóm các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước và Nhóm các thủ tục hành chính về việc xin chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện.

“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, thống kê đầy đủ các thủ tục hành chính, các quy định làm phát sinh thủ tục hành chính; cắt giảm các thủ tục không cần thiết, tăng cường phân công, phân cấp cho địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật” - đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị. 

Phân định khoáng sản theo công dụng

Về phân nhóm khoáng sản, đại biểu cho biết đây là nội dung rất quan trọng, từ việc phân nhóm sẽ đưa ra các quy định phù hợp về quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Đồng thời, quy định này sẽ tạo cơ sở cho việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản. Do vậy, việc quy định phân nhóm khoáng sản phải hết sức rõ ràng để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành, đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Khoáng sản hiện hành.

Theo khoản 1 Điều 7 Dự thảo Luật, khoáng sản được phân thành 04 nhóm. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật gửi kèm theo hồ sơ Dự án Luật ban hành danh mục khoáng sản từ nhóm I đến nhóm IV, trong đó liệt kê cụ thể các loại khoáng sản trong từng nhóm. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ không giúp tháo gỡ khó khăn hiện hành về khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Hiện tại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn được sử dụng cho mục đích san lấp, như vậy dù mục đích sử dụng là san lấp nhưng vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục cấp phép khai thác theo khoáng sản thuộc nhóm III (vật liệu xây dựng thông thường).

Dự thảo Luật đã quy định thủ tục khai khác khoáng sản nhóm IV (khoáng sản phục vụ mục đích san lấp) theo hướng đơn giản hơn, chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký khai thác thay vì phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản như hiện hành. Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định tại Điều 77 thì cần phải chứng minh được các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất sét ... chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp. Dự thảo Luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng không quy định khoáng sản như thế nào là chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp.

Đánh giá điểm bất hợp lý nữa trong phân loại khoáng sản nhóm IV, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết dự thảo Luật quy định khoáng sản nhóm IV gồm các loại đất sét, đất đồi... Đại biểu cho rằng, quy định tên gọi hai loại đất này không đồng nhất, đất sét là theo tính chất đất, đất đồi là theo vị trí đất.

“Như tôi vừa trình bày, quy định về phân loại khoáng sản rất quan trọng, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý, tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến sai phạm, thất thoát và lãng phí; đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay” - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu nêu ý kiến.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top