Khắc ghi lời chỉ dạy của Tổng Bí thư về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

15:27 - Thứ Ba, 23/07/2024 Lượt xem: 2614 In bài viết

Một trong những quan tâm lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công tác xây dựng Đảng, trong đó cán bộ là “then chốt của then chốt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Ảnh: TTXVN

Đạo đức của cán bộ, đảng viên như “tiền vốn” của Đảng

Nói về người cách mạng và cán bộ, đảng viên thì đạo đức là gốc, là nền tảng. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức cách mạng giống như gốc của cây, như nguồn của sông. Không có gốc thì cây héo, không có nguồn thì sông cạn. Đạo đức cách mạng như bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người. Đạo đức cách mạng như sức mạnh của con người, sức có mạnh mới gánh được nặng, đi được xa.

Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới làm tròn nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang. Đạo đức của cán bộ, đảng viên như “tiền vốn” của Đảng. Có vốn mới có lãi. Cách mạng phải nhiều “vốn” thì mới đi tới thành công. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ có giữ được đạo đức cách mạng hay là không. Nếu cán bộ, đảng viên không trui rèn đạo đức cách mạng thì vô cùng nguy hại cho Đảng, cho cách mạng, đất nước và nhân dân. Bởi vì “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”[1]. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[2].

Đó là những lời dạy vàng ngọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ ít nhiều đều có quyền hành, có quyền mà thiếu lương tâm, không giữ được đạo đức cần, kiệm, liêm, chính thì dễ biến thành sâu mọt của dân. Với ý nghĩa đó, trong Di chúc, Người dặn lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[3].

Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người tiên phong trong việc kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng đạo đức nói riêng. Ông khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng di sản Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là vô cùng đồ sộ và quý giá: Đó là thời đại Hồ Chí Minh; sự nghiệp Hồ Chí Minh; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một tấm gương sáng ngời để chúng ta học tập và noi theo.

Ông nhấn mạnh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, trước hết là các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Dưới ánh sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một dấu ấn sâu đậm trong các bài viết, bài nói của mình về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Ông cho rằng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách, đột phá trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; là “mắt xích” chủ yếu mà chúng ta cần nắm lấy. Bởi vì, “cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng”[4].

Biểu hiện của cái nghiêm trọng mà Tổng Bí thư nói đến là sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc. Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một bộ phận cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức.

Nói về những nguyên nhân chủ quan dẫn đến yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư chỉ ra những căn bệnh gốc rễ như cán bộ, đảng viên không thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng; quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.

Nỗi bận tâm lớn nhất của Tổng Bí thư là vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Ông nhấn mạnh phải ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vì đây mới là cái gốc của tham nhũng. Tiền bạc, tài sản còn có thể thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên tức là trị tận gốc của tham nhũng. Không ngăn chặn được suy thoái, hư hỏng về đạo đức, tư tưởng cũng đồng nghĩa với không ngăn chặn được tham nhũng; không ngăn chặn được tham nhũng dẫn đến gây mất ổn định, ảnh hưởng sự phát triển của đất nước, một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ.

Nhận rõ và cảnh báo nguy cơ về sự nguy hại của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, Tổng Bí thư thường xuyên nhắc nhở quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Theo Tổng Bí thư, cái cần nhất là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí, về hành động, là tổ chức thực hiện. Cán bộ, đảng viên phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực.

Từ những bài học của cán bộ cao cấp bị khởi tố trong các vụ án, Tổng Bí thư nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu.

Phân tích mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức, Tổng Bí thư cho rằng, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị “tha hóa”; tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; do đó phải tăng cường và nâng cao hiệu quả của kiểm soát quyền lực. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Phải “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế.

Theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, đảng viên “tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình… Trong bụng các cô, các chú có tòa án lương tâm trong đó”[5], Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh rằng, xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này cũng đều là vấn đề con người, do con người. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều lần đồng chí nhắc lại lời dạy của cha ông: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”[6].

Tổng Bí thư thường nhắc lại câu nói của Paven Coócxaghin như là một cách giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên: Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân![7]

Có thể khẳng định rằng những lời dặn dò, chỉ bảo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tu dưỡng, trui rèn, xây đạo đức cách mạng và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng đạo đức cách mạng Việt Nam. Đó chính là động lực, nguồn lực to lớn, mạnh mẽ giúp bộ cán bộ, đảng viên chiến thắng mọi cám dỗ về vật chất, tiền bạc, quyền lực, hoàn thành sứ mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

-----------------------------


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.127.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.

[4] Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017, tr.39.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.7 và tr.8.

[6] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2023, tr.45.

[7] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.142.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top