Thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư chiến lược

14:04 - Thứ Tư, 30/10/2024 Lượt xem: 893 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (30/10), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Thượng tọa Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, việc hình thành Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu, các doanh nghiệp đi đâu rất chú trọng ưu đãi đầu tư. Ưu đãi đầu tư cũng là tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp FDI và tranh thủ tiếp nhận khoa học công nghệ, phát triển đất nước. Đề cập việc ông chủ Tập đoàn NVIDIA đến Việt Nam rất sớm nhưng lại đầu tư 200 triệu USD vào Indonesia để xây dựng trung tâm dữ liệu AI; hay mới đây, Google thông báo sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Thái Lan để xây dựng trung tâm dữ liệu, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, nguy cơ đánh mất cơ hội đón nhà đầu tư lớn của chúng ta là rất cao.

“Để không đánh mất cơ hội như thế, phải hỗ trợ các nhà đầu tư nhanh nhất. Các nước xung quanh đang tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp. Ví dụ, Vingroup đầu tư nhà máy Vinfast ở Ấn Độ, từ lúc gặp gỡ đến lúc khởi công chỉ mất 1 tháng. Chúng ta cũng phải hỗ trợ nhà đầu tư nhanh như vậy” - Thượng toạ Thích Đức Thiện khẳng định.

Thiếu tướng Tráng A Tủa, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, Thiếu tướng Tráng A Tủa, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; nhất trí phạm vi áp dụng Nghị quyết là các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; không áp dụng đối với vật chứng, tài sản thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đại biểu Tráng A Tủa cơ bản đồng tình với các biện pháp thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự quy định trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định “Trường hợp vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong toả mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị thiệt hại, đồng thời có đề nghị của bị hại hoặc người đại diện của họ và đề nghị của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự, tỷ lệ được pháp luật thi hành án dân sự quy định”. Đại biểu cho rằng, nội dung tại điểm này đã thuộc nội dung quy định của Điểm b Khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự đó là “Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top