Sản phẩm quà lưu niệm chưa tương xứng tiềm năng

08:45 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 7306 In bài viết

ĐBP - Thông qua những sản phẩm quà tặng, lưu niệm góp phần không nhỏ giúp quảng bá mảnh đất, con người mỗi địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua sản phẩm quà tặng, lưu niệm của tỉnh ta còn khá nghèo nàn, đơn điệu, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Ngoại trừ số ít cá nhân thành công.

Khách du lịch tìm hiểu, mua hàng tại cửa hàng Quà Tây Bắc, TP. Điện Biên Phủ.

Mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2022 song cửa hàng Quà Tây Bắc (phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách du lịch gần xa khi đến Điện Biên.

Anh Trần Quang Huy, du khách đến từ tỉnh Hải Dương cho biết: Đến cửa hàng, tôi rất bất ngờ vì thấy bày bán rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ thực phẩm, dược liệu, cho đến mặt hàng lưu niệm mang đặc trưng mảnh đất con người Điện Biên như trang phục thổ cẩm của dân tộc Thái, Mông. Khách du lịch chúng tôi cũng yên tâm hơn bởi sản phẩm ở đây có giá phù hợp, chất lượng đảm bảo và rõ ràng nguồn gốc xuất xứ.

Trung bình mỗi ngày cửa hàng Quà Tây Bắc có từ 50 - 100 khách du lịch đến tìm hiểu, mua sản phẩm về làm quà. Thời điểm Lễ hội Hoa Ban vừa qua cửa hàng đón trên 200 khách du lịch/ngày. Chị Nguyễn Thị Phương, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Quà Tây Bắc cho biết: Hiện nay cửa hàng bày bán hơn 200 sản phẩm đặc sản, mang đặc trưng vùng miền của tỉnh Điện Biên. Ngoài ra cửa hàng cũng bày bán gần 200 sản phẩm là các mặt hàng về thực phẩm, dược liệu, đồ lưu niệm của các tỉnh khu vực Tây Bắc. Điểm khác biệt của cửa hàng là các sản phẩm bày bán đều được cấp bản quyền, đăng ký bởi Cục sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, để du khách dễ dàng tiếp cận sản phẩm, chúng tôi đã kết nối với các tour tuyến du lịch và hướng dẫn viên đưa khách du lịch đến cửa hàng tìm hiểu, mua sản phẩm như một điểm dừng chân cho du khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng cửa hàng trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch và mở rộng thị trường, kết nối, phân phối sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Điện Biên tới thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng.

Thực tế hiện nay, ngoài một số cửa hàng bày bán sản phẩm quà tặng du lịch của cá nhân, hộ kinh doanh thì sản phẩm quà tặng, mặt hàng lưu niệm bày bán tại các điểm di tích mặc dù đã được đầu tư, chú trọng nhằm phát triển sản phẩm song còn khá đơn điệu, chưa đa dạng về mẫu mã. Các sản phẩm như thực phẩm, dược liệu chủ yếu được hộ kinh doanh thuê kiot tự chế biến, đóng gói bao bì sản phẩm; còn mặt hàng lưu niệm cũng chủ yếu đặt làm từ nơi khác, sau đó in logo của du lịch Điện Biên (hình ảnh hầm Đờ-cát, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp…) Trong đó, sản phẩm lưu niệm được chế tác, hoàn thiện trên địa bàn tỉnh, mang đặc trưng của địa phương, vùng miền trong tỉnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Sau khi “Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Điện Biên” được tổ chức năm 2018 thì tới nay chưa có cuộc thi nào được tổ chức nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của tổ chức, cá nhân trong việc sáng tác, thiết kế mẫu sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên.

Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh cho biết: Năm 2020, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, đơn vị đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 10 kiot, hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng, hệ thống đường nước, đường truyền internet, sân để xe ô tô, xe máy tại Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, đơn vị đã sử dụng 1 kiot làm phòng soát vé, 1 kiot làm phòng bảo vệ, còn lại 8 kiot không bố trí vì đã đủ các phòng chức năng theo nhiệm vụ được giao. Qua đánh giá, thời gian qua, việc cho thuê kiot tại các điểm di tích có nguồn thu thấp, do các sản phẩm quà tặng, mặt hàng lưu niệm còn khá nghèo nàn, đơn điệu, chưa thu hút khách du lịch. Ngoài ra, cơ sở vật chất tại các điểm chưa được đầu tư đồng bộ, xứng tầm. Doanh thu từ hoạt động cho thuê (từ năm 2020 đến nay) chỉ đạt 84 triệu đồng (năm 2022 dừng không thực hiện). Trong khi đó, các tài sản đang sử dụng tại các điểm di tích thuộc Ban Quản lý Di tích chưa sử dụng hết công suất.

Nhằm góp phần quảng bá sản phẩm du lịch và tăng doanh thu, Ban Quản lý Di tích tỉnh đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công thuộc Ban Quản lý Di tích tỉnh vào mục đích cho thuê tại khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên diện tích được UBND tỉnh giao quản lý sử dụng, đơn vị sẽ trình cấp thẩm quyền để đầu tư xây dựng thành một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ và bán hàng lưu niệm phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, để sản phẩm lưu niệm thật sự góp phần vào quảng bá du lịch của địa phương, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của tỉnh; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm trưng bày, bán hàng.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top