“Bảo tàng sống” lưu giữ văn hóa Tày

16:55 - Thứ Hai, 11/12/2023 Lượt xem: 6302 In bài viết

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) được ví như một “bảo tàng sống” lưu giữ những nét văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Tày.

Đến với thôn Tha, du khách sẽ được đắm mình trong bầu không khí văn hóa bản địa đặc sắc, được hòa mình vào những điệu hát then, hát cọi, múa bát hay tìm hiểu kiến trúc truyền thống của những ngôi nhà lợp lá cọ nằm giữa những thửa ruộng bậc thang màu mỡ...

Một góc thôn Tha.

Gìn giữ “tài sản” của cha ông

Nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Giang 4km nên du khách có thể dễ dàng ghé thăm thôn Tha. Con đường nhỏ dẫn vào bản được trải nhựa bằng phẳng nhưng không làm mất đi nét mộc mạc vốn có. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang thấp. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp mái cọ nằm lúp xúp giữa sóng lúa rì rào, thảng hoặc vang tiếng trẻ con nô đùa hay thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ trong trang phục truyền thống đang dệt vải, bóc ngô bên hiên nhà. Khung cảnh bình yên khiến du khách gác hết mọi phiền lo, bỏ lại những ồn ào thường nhật sau lưng...

Thôn được bao bọc bởi rừng già ở phía bắc và phía tây, lại có nguồn nước tự nhiên phong phú là hai dòng suối chia thôn Tha thành ba cụm dân cư, vừa thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp, vừa tạo nên phong cảnh hữu tình. Cũng nhờ có tỷ lệ che phủ rừng cao (hơn 50%) nên nơi đây khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ.

Thôn Tha có diện tích 120ha, 124 hộ dân và 592 nhân khẩu, trong đó 99% dân số là người Tày. Hiện nay, toàn thôn có 122 ngôi nhà sàn, hơn 90% trong số đó vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Cùng với đó, người dân cũng chú trọng bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể của cha ông như múa, hát then; múa cày cấy, múa nón, múa bát; các loại nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, trò chơi dân gian...

Đặc biệt là các lễ hội như lễ hội Lẩu then, hội Lồng Tồng với những nghi lễ truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị hài hòa trong đời sống đương đại, tạo nên nét đặc trưng để phát triển du lịch, thu hút du khách đến trải nghiệm.

Tuy nhiên, việc bảo tồn di sản văn hóa của người Tày ở thôn Tha cũng phải đối diện với không ít thách thức trước những tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để giữ gìn “gốc” văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Độ Nguyễn Đình Thoát cho rằng, đồng bào dân tộc Tày ở thôn Tha nói riêng và thành phố Hà Giang nói chung cần chú trọng bảo tồn tiếng nói, chữ viết. “Nếu không gìn giữ ngôn ngữ Tày, chỉ 20 - 30 năm nữa, thế hệ trẻ sẽ không đọc được các tác phẩm văn thơ, không biết hát cọi, hát lượn bằng tiếng Tày hay không thể đọc được các bài then cổ để thực hiện những nghi lễ truyền thống. Điều này sẽ dẫn tới sự biến đổi văn hóa và làm mất đi bản sắc của người Tày. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp để cùng người dân bảo tồn văn hóa dân tộc Tày, từ đó phát huy giá trị, biến thành nguồn lực phát triển kinh tế, du lịch cho thôn Tha”.

Làng văn hóa du lịch tiêu biểu

Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha được thành lập năm 2007, đến nay đã có 6 hộ dân kinh doanh các loại hình dịch vụ ăn uống, lưu trú homestay và 15 lao động tham gia hướng dẫn cho khách du lịch.

Theo Chủ nhiệm HTX Du lịch thôn Tha Nguyễn Văn Thiện, trung bình mỗi năm, thôn đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú. Việc phát triển du lịch đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân mỗi hộ làm du lịch đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Trong thôn hiện có 3 hộ giàu, 118 hộ có mức thu nhập trung bình khá và còn 3 hộ nghèo và cận nghèo.

“Việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp đời sống kinh tế của bà con được cải thiện mà đời sống văn hóa tinh thần cũng khởi sắc. Nhiều hủ tục đã được loại bỏ, người dân rất quan tâm đến việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, khôi phục các phong tục tập quán, nghề truyền thống bị mai một...” - ông Thiện chia sẻ.

Dựa trên nền tảng là điểm đến giàu tiềm năng, để phát huy tối đa những lợi thế sẵn có, thành phố Hà Giang định hướng đưa thôn Tha trở thành Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang Trần Song Hà, năm 2022, thành phố đã ban hành Đề án “Xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025”. Mục tiêu của đề án hướng tới phát triển các mô hình kinh tế dựa trên thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tối đa việc tác động vào hiện trạng tự nhiên. Đề án cũng chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn nông thôn mới, theo đó tiến hành nâng cấp, cải tạo đường giao thông quanh thôn, kết nối các hộ homestay, tạo điểm nhấn về cảnh quan độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước...

Để hiện thực hóa các mục tiêu, đề án đưa ra nhiều giải pháp về quy hoạch, phát triển sản phẩm, thị trường khách du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền xúc tiến, quảng bá và hợp tác, liên kết phát triển du lịch... Tin rằng, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, Làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Tha sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách đến với Hà Giang nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top