Những dòng sông "kể chuyện"

06:31 - Thứ Bảy, 26/10/2024 Lượt xem: 1926 In bài viết

Uốn lượn mềm mại như dải lụa đan cài, kết nối các điểm đến du lịch, những dòng sông trên các miền đất nước không chỉ là tuyến giao thông giúp vận chuyển hành khách, hàng hóa, mà còn ôm chứa trong mình không ít câu chuyện truyền cảm hứng, những trầm tích văn hóa lịch sử gắn liền cảnh quan đôi bờ. Đây là kho báu có thể khai thác của loại hình du lịch đường sông Việt Nam, tạo sức hút độc đáo qua những trải nghiệm sông nước thú vị, giàu bản sắc.

Dòng sông Nho Quế (tỉnh Hà Giang) với màu nước xanh như ngọc, giữa địa hình núi rừng hiểm trở, tạo nên phong cảnh đẹp như tranh. (Ảnh MỸ HÀ)

Trong lớp sương giăng nhẹ lòng sông, thong dong đi tàu dọc sông Hồng, khách du lịch sẽ được ngắm nhìn khung cảnh sông nước hữu tình của Thủ đô Hà Nội, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây cầu cổ kính như cầu Long Biên, cầu Chương Dương, đến với làng gốm Bát Tràng, làng mây tre đan Ninh Sở…, cùng nhiều di tích văn hóa lịch sử như đình Chèm, đền Gióng...

Và về đất phương nam, tới thành phố Hồ Chí Minh, trải nghiệm du lịch trên sông Sài Gòn sẽ giúp du khách khám phá những địa danh như hầm Thủ Thiêm, bến Nhà Rồng, cầu Phú Mỹ…, cảm nhận vẻ đẹp vừa hoa lệ của thành phố từ những góc quan sát mới.

Để rồi đến với vùng sông nước Cửu Long, ai cũng ngỡ ngàng trước không gian văn hóa sông nước đậm đặc khi tham gia những tour du lịch bằng ghe, xuồng khám phá miệt vườn cây ăn trái, tìm hiểu cuộc sống của cư dân trên chợ nổi, thưởng thức đờn ca tài tử… Rõ ràng, sức cuốn hút của những dòng sông đang được "đánh thức", trở thành tài nguyên cho những sản phẩm du lịch thu hút khách.

Sở hữu mạng lưới sông ngòi dày đặc với hơn 2.300 sông lớn, nhỏ trải dài từ bắc đến nam, trong đó có nhiều sông chảy liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia như sông Hồng, hệ thống sông Cửu Long, sông Đà…, Việt Nam có ưu thế lớn để khai thác những tuyến du lịch đường sông đặc sắc, độc đáo.

Việc phát triển du lịch đường sông gắn với không gian văn hóa sông nước không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam mà còn thúc đẩy lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa địa phương của cư dân bản địa, góp phần giải quyết bài toán quá tải cho du lịch đường bộ. Đó là lý do thời gian qua, nhiều địa phương chú trọng phát triển du lịch đường sông và bước đầu thu về những kết quả nhất định.

Tiêu biểu như Hà Giang với dấu ấn du lịch trên sông Nho Quế ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang Lại Quốc Tĩnh cho biết, đây là thành công ngoài mong đợi đối với ngành du lịch tỉnh. Hơn 50 thuyền hoạt động chở khách tham quan trên sông năm 2023 đã mang về 33 tỷ đồng cho ngành du lịch. Và trong hơn ba triệu lượt khách du lịch tới địa phương năm 2023, có tới hơn hai triệu khách mong muốn được trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế.

Với tỉnh Thừa Thiên Huế, có tới 40% đến 45% tổng lượng khách hằng năm lựa chọn đi du lịch trên sông Hương để cảm nhận vẻ đẹp mảnh đất cố đô.

Tại thành phố Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, cũng có tới hai phần ba lượng khách mỗi năm trải nghiệm du lịch trên sông cùng điểm nhấn là các tour tham quan chợ nổi Cái Răng, vườn cây ăn trái tại huyện Phong Điền, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa tại quận Bình Thủy, hay ngắm cảnh sông nước về đêm kết hợp thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn trên du thuyền ở Ninh Kiều…

Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt sản phẩm du lịch đường sông như tour du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, tour trải nghiệm thành phố xanh Thủ Đức, bus sông Sài Gòn… được đưa vào khai thác, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch…

Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, du lịch đường sông của nước ta vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng. Các sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn, chủ yếu tập trung vào tham quan, ngắm cảnh trên sông, thiếu những dịch vụ bổ trợ và sự kết nối với không gian văn hóa hai bên bờ nên không kéo dài được thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch cho hay, rào cản lớn nhất là do hạ tầng giao thông đường thủy còn hạn chế, không ít tuyến đường sông chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho di chuyển và khai thác du lịch. Đơn cử, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều đoạn sông vẫn chưa được nạo vét, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện du lịch. Số lượng cảng tàu du lịch đạt chuẩn ở nước ta cũng rất ít, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi tại nhiều địa phương giàu tiềm năng du lịch sông thiếu trầm trọng, nên gây khó khăn cho việc đón tiếp, phục vụ du khách. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều con sông lớn cũng đang gióng lên hồi chuông báo động… Thực trạng này đòi hỏi cần nhanh chóng có những giải pháp để khơi thông điểm nghẽn về du lịch đường sông.

Theo các chuyên gia, trước hết, cần xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đường sông với sự chỉ đạo, vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước ngành du lịch, văn hóa, giao thông vận tải cùng các doanh nghiệp, chuyên gia có kinh nghiệm. Từ đó đưa ra những định hướng, cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển loại hình dịch vụ này, có tính tới các yếu tố về môi trường sinh thái, cảnh quan hai bên bờ sông, khả năng tiếp nhận của cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển…

Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đường sông, Tiến sĩ Trần Diễm Hằng (Khoa Du lịch, Trường đại học Hòa Bình) cho rằng, vấn đề quan trọng là cần đầu tư hạ tầng đồng bộ, nâng cấp và xây mới các bến tàu theo hướng tích hợp đầy đủ các tiện nghi như nhà chờ, nhà vệ sinh, bãi đậu xe, hệ thống thông tin…, kết hợp bến tàu với các dịch vụ khác như nhà hàng, quán cà-phê, khu mua sắm... Bên cạnh đó, cần gia tăng hàm lượng sáng tạo để đa dạng hóa, xây dựng những sản phẩm du lịch đường sông độc đáo.

Tiến sĩ Trần Diễm Hằng gợi ý, có thể kết nối du lịch đường sông với các loại hình du lịch khác như du lịch văn hóa (tham quan di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, nhà thờ, chùa chiền... dọc theo sông); du lịch sinh thái (khám phá các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, động vật hoang dã…); du lịch ẩm thực (tìm hiểu đặc sản địa phương, làng nghề ẩm thực); du lịch nghỉ dưỡng (các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, khai thác dịch vụ spa, golf, nhà hàng...); du lịch mạo hiểm (chèo thuyền kayak, lặn, lướt ván...). Ngoài ra, có thể xây dựng các sản phẩm du lịch theo chủ đề kết hợp tổ chức những sự kiện đặc biệt trên sông như lễ hội âm nhạc, lễ hội sông nước mang dấu ấn địa phương, tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, mỗi dòng sông đều có những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những giá trị này sẽ tạo sự khác biệt thu hút du khách. Trước thực trạng còn thiếu sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành phố, dẫn đến các tour du lịch đường sông hầu như mới chỉ dừng ở khám phá một địa phương mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả vùng rộng lớn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch nhấn mạnh cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương thông qua chương trình du lịch liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông để mang đến trải nghiệm phong phú hơn cho du khách.

Tham quan trong không gian sông nước có sức hấp dẫn đặc biệt, song không thể phủ nhận đây là loại hình du lịch có mức độ nguy hiểm. Thạc sĩ Vũ Nam thuộc Khoa Du lịch và Khách sạn-Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý, khai thác du lịch đường sông phải có những biện pháp bảo đảm an toàn khắt khe: Phương tiện vận chuyển phải đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật khi vận chuyển hành khách trên sông, nhân viên phục vụ phải có bằng cấp, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, có chứng nhận của cơ quan tập huấn.

Đặc biệt, cần chú trọng yếu tố bền vững, bảo đảm phát triển du lịch đường sông thỏa mãn các nhu cầu của thị trường nhưng không làm suy giảm chất lượng của tài nguyên và môi trường tương lai. Muốn thế, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường sông nước, kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải hiệu quả; đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong gìn giữ môi trường và quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của điểm đến, để những dòng sông được thầm thì "kể" câu chuyện của riêng mình...

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top