Cần sớm tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt giáo viên

10:22 - Thứ Sáu, 14/07/2023 Lượt xem: 4635 In bài viết

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2022, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học, và với một số môn học theo chương trình mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh... Trong đó, Thanh Hóa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất. Điều này đang đặt ra vấn đề rất cấp bách không chỉ đối với ngành Giáo dục để bù đắp lượng giáo viên thiếu hụt.

Trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo thực hiện quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị, trong tổng chỉ tiêu 1.562.485 viên chức được Bộ Chính trị giao tại Điểm 3 Điều 1 Quyết định 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022, có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung giai đoạn 2022 - 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế.

Có lẽ đây là điều đặc biệt và khá hiếm hoi khi đích thân Bộ Chính trị trong một Quyết định giao tổng thể về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các Tỉnh, Thành uỷ, Đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026, đã dành một dòng và hẳn một phụ lục để giao riêng biên chế đối với ngành giáo dục.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2023, cả nước mới tuyển được 15.540 giáo viên. Điều này phản ánh một thực tế rất đáng trăn trở hiện nay là có không ít địa phương học sinh thì... "khát" chữ, còn trường thì... "đói" giáo viên.

Mới đây, sáng 12/7/2023, thông tin tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.250 giáo viên, thuộc diện trầm trọng nhất cả nước, được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Trần Văn Thức đưa ra tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanhh Hóa khiến dư luậnkhông khỏi giật mình. Thanh Hoá có tổng diện tích hơn 11.129,48 km2 (lớn thứ 5 cả nước), dân số khoảng 3,8 triệu người (xếp thứ 3 cả nước), do đó, vấn đề giáo dục nói chung và việc giải bài toán làm thế nào đủ cán bộ giáo viên “luôn luôn nóng”.

 Do thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên nên sĩ số quá đông học sinh trong một lớp học (ảnh tư liệu, nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)

Còn với Hà Nội, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố thông tin, số lượng học sinh/lớp ở các trường công lập của Thủ đô đều lớn hơn quy định hiện hành của Bộ. Khi số lượng học sinh, số lượng lớp, số trường tăng, kéo theo số lượng người làm việc tại khối giáo dục cũng phải tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu “có học sinh, có lớp thì phải có giáo viên”. Từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên. Năm 2022, số lượng biên chế toàn Thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập. Theo báo cáo, số lượng giáo viên còn thiếu là 8.939 biên chế. Trong đó, số giáo viên còn thiếu bậc mầm non là 1.325, bậc Tiểu học là 3.634, bậc Trung học cơ sở là 2.684 và bậc Trung học phổ thông là 1.296.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu giáo viên cũng trầm trọng không kém. Mặc dù liên tục tuyển dụng nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình mới. Trong khi đó, các chính sách, chỉ tiêu đều được xây dựng dựa trên số dân có hộ khẩu thường trú. Mục tiêu của Thành phố là tạo mọi điều kiện, cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học sinh, không bỏ sót ai.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2022, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học, và với một số môn học theo chương trình mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh, tích hợp...

Nguyên nhân của việc thiếu hụt giáo viên thì có nhiều, ngoài thu nhập không hấp dẫn, áp lực cao, còn do một số bất cập trong dự báo nhu cầu, kế hoạch đào tạo cho chương trình... nên đã dẫn đến thiếu nguồn để tuyển dụng. Cùng với đó là thực trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Lý do vì vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên, hay sức hấp dẫn về môi trường làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục, trường quốc tế... cũng tạo ra nhu cầu chuyển việc của giáo viên.

 Do thiếu giáo viên ở vùng cao nên phải tổ chức học ghép 2 lớp ngồi quay lưng vào nhau - (ảnh tư liệu, nguồn: Báo Bắc Kạn)

Đã có những lời giải cho bài toán khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Cụ thể, ngày 28/10/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 5392/BC-BNV gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Nội vụ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo viên; cơ chế, chính sách về tiền lương; định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp cho phù hợp thực tế và của từng vùng, miền; đẩy mạnh tự chủ, khuyến khích xã hội hóa; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn 2022 - 2026 để tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả số chỉ tiêu biên chế giáo viên được Bộ Chính trị giao tại Quyết định 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh và đổi mới chương trình giảng dạy.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược để phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Các địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, định hướng phát triển của địa phương; bám sát quy hoạch, nhu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, học sinh trong từng giai đoạn, từng năm học để lập kế hoạch tuyển dụng giáo viên cụ thể đến từng cấp học, từng ngành cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, có kế hoạch đặt hàng với các cơ sở giáo dục đào tạo để đào tạo giáo viên cho địa phương mình.

Tiếp tục hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 01/7/2020; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng số giáo viên để đạt chuẩn trình độ nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Có thể nói, chủ trương là thế, thực tế là vậy, nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn tồn tại, chưa giải quyết được triệt để. Chuẩn bị bước vào năm học mới 2023 - 2024, nhưng hầu hết các bậc học, ngành học, các địa phương, nhất là những địa phương vùng xâu, vùng xa, địa phương có đông dân số đều kêu thiếu giáo viên trầm trọng, tỉnh Thanh Hóa, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là những ví dụ điển hình.

Điều đó đòi hỏi các cấp, ngành cần tích cực, chủ động bàn bạc, thảo luận và sớm thống nhất hành động, tất cả vì sự nghiệp trồng người. Thậm chí, nếu đơn vị, cơ quan liên quan chậm trễ, gây khó khăn phải kiểm điểm trách nhiệm... có như vậy mới thực sự đáp ứng theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” đã được Đảng, Nhà nước ta xác định từ sớm.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top